Chỉ đạo điều hành của UBND thành phố tuần 24
Đăng ngày 20-06-2022 11:29, Lượt xem: 426

Phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 7 và lớp 10; Xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; Chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố; Tập trung nhân lực đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại và tiêm chủng cho trẻ em; Quy định thu, nộp tiền đền bù giải phóng mặt bằng đối với các khu đất ngoài khu vực Khu kinh tế, Khu công nghệ cao là những chỉ đạo điều hành nổi bật của UBND thành phố từ ngày 13-6 đến 17-6-2022.

Phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 7 và lớp 10

Ngày 13-6, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1586/QĐ-UBND và Quyết định số1587/QĐ-UBND phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 7 và lớp 10 sử dụng trong các cơ sở giáo dục trung học trên địa bàn thành phố từ năm học 2022 - 2023.

Theo danh mục phê duyệt, có 14 SGK lớp 7 được lựa chọn, gồm: 3 sách tiếng Anh; sách ngữ văn tập 1, tập 2; sách toán tập 1, tập 2; 1 sách khoa học tự nhiên; 1 sách lịch sử và địa lý; 1 sách giáo dục công dân; 1 sách âm nhạc; 1 sách mỹ thuật; 1 sách tin học; 1 sách công nghệ; 1 sách giáo dục thể chất; 1 sách hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Trong đó, đối với môn tiếng Anh lớp 7 có 3 bộ sách được lựa chọn gồm: Global Success thuộc Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam; i-Learn Smart World của Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và THiNK của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.

Với lớp 10, danh mục có 19 SGK được lựa chọn sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Các môn gồm: văn, toán, tiếng Anh, giáo dục thể chất, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục quốc phòng và an ninh. Các bộ sách được lựa chọn là bộ sách Chân trời sáng tạo, Kết nối Tri thức với cuộc sống của NXB Giáo Dục Việt Nam, bộ sách Cánh Diều của Đại học Sư Phạm…

UBND thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai đến các cơ sở giáo dục, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Nhằm đẩy nhanh, hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi số của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, áp dụng Bộ chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp, ngày 14-6, UBND thành phố ban hành văn bản số 112/CTr-UBND về Chương trình Xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Theo đó, mục đích của chương trình nhằm đẩy nhanh việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố; áp dụng Bộ chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp để đánh giá rộng rãi các DN, vừa giúp từng DN xác định hiện trạng để có lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp, phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, vừa tạo được bức tranh tổng thể về chuyển đổi số DN, phát triển DN số trong từng ngành, lĩnh vực.

Song song đó, việc hỗ trợ chuyển đổi số giúp các DN nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực cho quá trình chuyển đổi số; xác định, phân công rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện.

Đối tượng áp dụng là các DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, trong tất cả các ngành, lĩnh vực trên địa bàn thành phố với các quy mô khác nhau (siêu nhỏ, nhỏ, vừa, lớn…). Các cơ quan, tổ chức quản lý hoặc chủ trì triển khai chương trình, đề án, kế hoạch phát triển DN, thúc đẩy chuyển đổi số DN, phát triển kinh tế số và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan.

Các nhiệm vụ và giải pháp triển khai gồm: truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức; tổ chức đánh giá, xác định Chỉ số chuyển đổi số cho DN; xây dựng cơ sở dữ liệu DN, tổ chức mạng lưới tư vấn kinh tế số và chuyển đổi số DN. Đồng thời, hỗ trợ thúc đẩy các DN trên địa bàn thành phố triển khai chuyển đổi số; tổ chức các hội thảo, hội nghị, triển khai các khóa đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số...

Chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản

Ngày 15-6, UBND thành phố ban hành văn bản số 3272/UBND-STNMT về chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo tại Công văn số 1382/UBND-KT ngày 17/3/2022 và chủ động thực hiện các nội dung chỉ đạo liên quan của Bộ Tài chính tại Công văn số 3849/BTC-TCT ngày 28/4/2022.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên khảo sát để xây dựng cơ sở dữ liệu giá giao dịch từ chuyển nhượng bất động sản, làm căn cứ tham mưu UBND thành phố xác định hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm sát với giá giao dịch thực tế trên thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế.

Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố

Ngày 15-6, UBND thành phố ban hành Quyết định số 67/QĐ-BCĐ về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố.

Theo đó, Quy chế quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc và quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố và được áp dụng đối với các thành viên Ban Chỉ đạo và Văn phòng Chuyển đổi số thành phố.

Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc dân chủ, công khai và do Trưởng Ban quyết định. Ban Chỉ đạo và thành viên không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và người đứng đầu các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước tại thành phố. Đồng thời, đề cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên trong thực hiện nhiệm vụ; giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được phân công theo quy định. Các thành viên chủ động giải quyết công việc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, thành phố thông minh và chuyển đổi số tại thành phố. Bảo đảm yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Quy chế nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của Trưởng Ban; Phó Trưởng Ban Thường trực; Các Phó Trưởng Ban; Các thành viên.

Ban Chỉ đạo họp định kỳ một quý một lần hoặc có thể họp đột xuất theo triệu tập của Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban Thường trực. Thành phần tham dự cuộc họp do người chủ trì cuộc họp quyết định. Trưởng Ban quyết định triệu tập cuộc họp mở rộng có sự tham gia của người đứng đầu cơ quan chủ trì thực hiện chương trình, đề án, dự án có liên quan đến xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, thành phố thông minh và chuyển đổi số, Hội đồng Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số thành phố và các chuyên gia, nhà khoa học có liên quan. Văn phòng Chuyển đổi số họp định kỳ hai tháng một lần hoặc đột xuất.

Tập trung nhân lực đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại và tiêm chủng cho trẻ em

Ngày 16-6, UBND thành phố ban hành văn bản số 3325/UBND-SYT về tập trung nhân lực đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại và tiêm chủng cho trẻ em.

Cụ thể, UBND thành phố yêu cầu các cấp, các ngành quán triệt xuyên suốt, xác định công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp cần thiết để phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Ngành Y tế và các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai các văn bản của Trung ương và Thành phố về công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Trên cơ sở rà soát và thống kê cụ thể các đối tượng cần tiêm mũi 3, mũi 4, đối tượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi (đối tượng được chỉ định tiêm/đã tiêm/chưa tiêm, đối tượng đã mắc COVID-19), UBND các quận, huyện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương triển khai thực hiện. Trong trường hợp nếu số liệu thay đổi cần có báo cáo, giải trinh cụ thể; đồng thời, báo cáo cụ thể số lượng đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng trong thời gian đến gửi về Sở Y tế để đăng ký nhu cầu vắc xin phòng COVID-19. Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm đối với tỷ lệ tiêm chủng tại địa bàn và việc sử dụng có hiệu quả số lượng vắc xin phòng COVID-19 được cấp để đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn.

UBND thành phố đề nghị UBND các quận, huyện huy sự tham gia của tất cả các ban, ngành, đoàn thể trong công tác vận động, tuyên truyền người dân đi tiêm chủng; thống nhất truyền thông về tiêm vắc xin là tiêm vắc xin phòng chống dịch, ngươi dân không đồng ý tiêm phải ký cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh; lưu ý việc ký cam kết thực hiện sau khi đã được vận động, tuyên truyền nhiều lần về lợi ích, hiệu quả của vắc xin nhưng vẫn không đồng ý tiêm chủng. UBND các quận, huyện chủ động giao ban hàng ngày với UBND xã, phường, Trung tâm Y tế quận, huyện để nắm bắt tình hình tiêm chủng và đề xuất các giải pháp có hiệu quả và triển khai thực hiện ngay để sử dụng có hiệu quả số lượng vắc xin phòng COVID-19 được cấp.

Các sở, ban, ngành liên quan căn cứ, chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các địa phương triển khai các hoạt động hỗ trợ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn. Tuyên truyền vận động cán bộ công chức, người lao động tại đơn vị và các đơn vị trực thuộc tham gia tiêm chủng; trong đó lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các cơ quan, đơn vị phải làm gương, đi đầu trong việc thực hiện tiêm chủng. 

UBND thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức hội, đoàn thể chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể trực thuộc tham gia tích cực phối hợp chặt chẽ cùng với ngành y tế và chính quyền cơ sở trong việc “đi từng ngõ gõ từng nhà, rà từng người”, thực hiện hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và vận động, tuyên truyền người dân đi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ.

 

Quy định thu, nộp tiền đền bù giải phóng mặt bằng đối với các khu đất ngoài khu vực Khu kinh tế, Khu công nghệ cao

Ngày 15-6, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1609/QĐ-UBND, Quy định về việc xác định và thu, nộp tiền đền bù giải phóng mặt bằng vào ngân sách Nhà nước đối với các khu đất ngoài khu vực Khu kinh tế, Khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, trường hợp không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo pháp luật đầu tư thì không phải hoàn trả ngân sách nhà nước chi phi bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Trường hợp phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng được lập, phê duyệt tương ứng với diện tích đất mà tổ chức, cá nhân được giao đất, cho thuê đất thì người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất phải hoàn trả chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng theo Phương án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc theo Quyết định phê duyệt quyết toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có).

Trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê đất theo pháp luật đầu tư hoặc được giao đất không thu tiền sử dụng đất thì phải hoàn trả ngân sách nhà nước chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng được xác định theo quy định và được tính vào vốn đầu tư của dự án.

Trường hợp được giảm tiền sử dụng đất hoặc được miễn tiền thuê đất trong một số năm hoặc được giảm tiền thuê đất theo pháp luật đầu tư thì phải hoàn trả ngân sách nhà nước chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng được xác định theo quy định và được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp.

Trường hợp phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng được lập, phê duyệt theo toàn bộ khu đất của dự án mà không thể tách riêng được chi phí bồ thường, giải phóng mặt bằng tương ứng với từng diện tích đất mà tổ chức, cá nhân được giao đất, cho thuê đất thì chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng mà tổ chức cá nhân phải hoàn trả.

Trường hợp thời hạn thuê đất 50 năm thì số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng phải hoàn trả tương ứng thời gian được Nhà nước cho thuê đất.

CỔNG TTĐT TP

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác