Tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng
Đăng ngày 19-05-2022 16:53, Lượt xem: 582

Nhằm tăng cường phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, giảm đến mức thấp nhất số trường hợp mắc, tử vong, ngành Y tế Đà Nẵng khuyến cáo các địa phương, cơ sở giáo dục, gia đình chủ động các biện pháp ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, từ ngày 25/4-1/5, Đà Nẵng ghi nhận 105 ca mắc tay chân miệng (từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 300 ca mắc tay chân miệng). Hiện nay, dịch bệnh tay chân miệng đang bước vào mùa cao điểm đầu tiên trong năm (mỗi năm có 2 đợt cao điểm dịch bệnh tay chân miệng: tháng 3-5 và tháng 9-12). Trẻ mắc tay chân miệng thường rơi vào độ tuổi từ 1 đến 5 tuổi, trong đó, trẻ tứ 1 đến 3 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao.

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi, một số phụ huynh đưa con đến khám vì bé có biểu hiện mắc tay chân miệng. Chị Ngô Thùy Dương (trú quận Sơn Trà) cho biết con gái chị mới 18 tháng tuổi có dấu hiệu sốt, tay chân có nổi nốt đỏ.

“Cháu ở nhà sốt và quấy khóc, nốt đỏ ngày càng nổi lên nhiều. Tôi thấy bất thường nên đưa con vào Bệnh viện Phụ sản - Nhi khám luôn”. chị Dương chia sẻ.

Tương tự, chị Võ Thị Hiền (trú quận Thanh Khê) cho biết: “Cháu vừa được xuất viện về nhà. Khi mắc bệnh có biểu hiện sốt. Bác sĩ chẩn đoán là bệnh tay - chân - miệng".

Bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh, Trưởng khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản – Nhi thành phố cho biết, thời gian gần đây, mỗi ngày Khoa Y học Nhiệt đới đều tiếp nhận, điều trị khoảng 10-20 bệnh nhi và gần 50 bệnh nhân đến khám ở phòng khám do bệnh tay chân miệng.


Ảnh minh họa

"Ngoài ra, Bệnh viện cũng đang điều trị nội trú gần 100 bệnh nhân mắc bệnh này. Hầu hết các trường hợp mắc tay chân miệng ở thể vừa, nhiều trường hợp trẻ được đưa đến cơ sở y tế khi đã có biểu hiện rõ rệt của bệnh. Trẻ mắc tay chân miệng có diễn tiến bệnh rất nhanh, nên nếu chậm xử lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của trẻ", bác sĩ Thịnh thông tin.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh, bệnh tay chân miệng có biểu hiện bệnh lý khác so với sốt siêu vi hay những bệnh khác, diễn biến của bệnh rất nhanh và có một số biến chứng nguy hiểm về thần kinh, ảnh hướng đến tim mạch và hô hấp. Do đó, chúng ta không nên chủ quan trong vấn đề phát hiện điều trị.

"Bệnh tay chân miệng thường lây qua đường ăn uống và tiêu hóa. Cho nên để phòng bệnh, phụ huynh cần nâng cao vệ sinh, thường xuyên rửa tay cho trẻ, lau rửa sàn nhà, đồ chơi, đảm bảo ăn chín uống sôi. Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, phụ huynh nên cách ly trẻ ở nhà từ 7-10 ngày, không nên cho trẻ đi học ở trường, vì bệnh này có tốc độ lây rất nhanh", bác sĩ Thịnh khuyến cáo.

Trước diễn biến dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng, ngành y tế thành phố đã ban hành Công văn yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng trong cộng đồng; đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dân chủ động nắm bắt thông tin, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết.

Đặc biệt, đối với các trường học, nhóm trẻ, các biện pháp phòng, chống tay chân miệng phải được triển khai mạnh mẽ. Các cơ sở giáo dục phải được bố trí đầy đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng; thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt bàn ghế học tập và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp tay chân miệng tại trường học và báo cho cơ quan y tế để có biện pháp kịp thời.

THANH HẢI

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác