Chung tay tôn tạo, bảo tồn di tích Hải Vân quan
Đăng ngày 01-12-2021 13:38, Lượt xem: 438

Hải Vân quan - di tích nằm trên đỉnh đèo Hải Vân tiếp giáp giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đã từng có gian đoạn gần như là phế tích. Nhưng đó đã là chuyện của quá khứ. Di tích độc đáo này đã sống lại sau cái bắt tay hợp tác của 2 địa phương. Dự kiến việc khởi công trùng tu, tôn tạo di tích Hải Vân quan sẽ diễn ra vào tháng 12-2021.

Di tích đang từng ngày hồi sinh

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Phước - Chủ tiệm lưu niệm trên đỉnh đèo Hải Vân - người mà cả bản thân và gia đình đã gắn bó nhiều năm trời với Hải Vân quan. Nhìn ra đỉnh đèo, ông Phước nhớ lại khi hầm đường bộ Hải Vân còn chưa thông, những chuyến xe đi lại nhộn nhịp trên đèo. Nhưng lúc đó, Hải Vân quan cũng ít ai mà để ý và hoang tàn lắm.

Bấy giờ, nhiều đoàn du khách nước ngoài vẫn thích thú lựa chọn con đường ngoằn ngoèo của Hải Vân và dừng chân tham quan Hải Vân quan. Nhưng họ phải quay ra vội bởi các lô cốt, di tích ở đây bị phóng uế bừa bãi, ô nhiễm…


Di tích Hải Vân quan một điểm đến yêu thích của du khách. Ảnh chụp thời điểm chưa dịch COVID-19.

Nhưng vài năm trở lại đây, Hải Vân quan đang dần hồi sinh. Giữa đèo Hải Vân đã có Ban quản lý khu di tích và du lịch Hải Vân. Những ai có thú vui lái xe chinh phục đèo Hải Vân đều dễ nhận thấy sự thay đổi xung quanh di tích Hải Vân quan. Các quán xá đã ngăn nắp, gọn gàng và hiếm khi có cảnh chèo kéo, giành giật khách. Ở các cụm di tích, đã được dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ. Lực lượng chức năng của Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng thường xuyên túc trực tại đây.

Nhìn sự đổi thay này, ông Phước cũng vui lây: “Đứng giữa đỉnh đèo, ngó về phía Bắc là bãi cát trắng, biển xanh rì rào sóng biển Lăng Cô. Còn phóng tầm mắt về phía Nam là thành phố Đà Nẵng với con đường ven biển mềm mại, phố xá ẩn hiện trong sương. Còn gì đẹp hơn thế”.

Bắt tay…

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng chia sẻ câu chuyện thú vị về cuộc hợp tác, “bắt tay” nhau làm sống lại Hải Vân Quan mà ít người biết.

Vào năm 2016, ông Huỳnh Văn Hùng-Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao (VH-TT) thành phố Đà Nẵng (ông Hùng nay đã nghỉ hưu) và ông Thiện có một chuyến ra Hà Nội chào xã giao một Cục của Bộ Văn hóa Thể thao. Tại phòng làm việc, hai bên say sưa chia sẻ nhiều câu chuyện, nhiều dự tính về di sản. Và trong câu chuyện đó, Hải Vân quan được vị lãnh đạo Cục nhắc tới: Cục đã nhận được hồ sơ của Thừa Thiên Huế trình ra để đề nghị công nhận Hải Vân quan là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Cục có công văn đề nghị phía Thừa Thiên Huế làm việc với Đà Nẵng về vấn đề này, bởi Hải Vân quan nằm ở ranh giới của 2 địa phương.

Tại phòng này, ông Huỳnh Văn Hùng đã gọi điện nói chuyện với đại diện ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế và 2 bên hẹn sang tuần sẽ có cuộc gặp mặt. “Hải Vân quan được gợi mở tháo nút thắt từ đây”-ông Thiện tâm sự.


Từ phế tích, di tích Hải Vân quan đang sống lại.Ảnh: Ảnh chụp thời điểm chưa dịch COVID-19.

Đúng hẹn, đoàn công tác của ngành văn hóa Đà Nẵng lên đường đi Huế. “Một điều khá thú vị là anh Phan Tiến Dũng-giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế (thời điểm đó -PV) và anh Hùng là bạn học thời Đại học. Và điều hay nữa là cả Sở VH-TT Thừa Thiên Huế nung nấu ý tưởng cùng chung tay khôi phục Hải Vân quan. Hai bên đã có cái bắt tay lịch sử, cùng gánh vác Hải Vân quan”-ông Thiện vui vẻ nói.

Chia sẻ với chúng tôi khi còn trên cương vị giám đốc Sở VH-TT thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Hùng cho biết, Hải Vân quan là một di tích lịch sử mà một thời gian dài, do chiến tranh, con người nên đã thành phế tích. “Chúng tôi đã cùng đề xuất rằng di sản văn hóa là của chung” - ông Hùng tâm sự. Và 2 người đứng đầu ngành văn hóa của 2 địa phương có cùng quan điểm lấy văn hóa làm kết nối và thống nhất 2 địa phương trình Bộ VH-TT&DL công nhận di tích Quốc gia.

Tại cuộc làm việc ngày 4-11-2016 diễn ra ở thành phố Huế, hai bên đã đi đến thống nhất cùng phối hợp phát huy giá trị của Hải Vân quan. Và đến ngày 17-11, đoàn của Sở VH-TT Thừa Thiên Huế đã vào Đà Nẵng cùng Sở VH-TT Đà Nẵng ký biên bản ghi nhớ phối hợp phát huy giá trị của Hải Vân quan. Hai bên thống nhất cùng lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận Hải Vân quan là di tích cấp Quốc gia, tạo thuận lợi cho hai địa phương trong việc trùng tu, phát huy giá trị, thu hút khách du lịch.

Tiếp đó, 2 địa phương đã cùng hoàn thiện hồ sơ Hải Vân quan để 2 bên cùng ký vào. “Có lẽ hồ sơ trình di tích Hải Vân Quan là nhiều con dấu nhất, với khoảng 16 con dấu do 2 địa phương cùng đóng”-ông Thiện cho biết.

Chiều 24-5-2017, trên đỉnh Hải Vân đã trở thành một sự kiện đáng nhớ khi lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bắt tay và trao nhau biên bản hợp tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Quốc gia Hải Vân quan. Cái bắt tay không chỉ ghi nhớ sự hợp tác bảo tồn di tích này, mà còn mở ra một cuộc hợp tác phát triển của hai vùng đất. Lần đầu tiên có một hình ảnh đẹp là lễ đón bằng di tích lịch sử quốc gia trên đèo Hải Vân được trao cho Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Đó là dấu mốc bắt đầu quá trình hồi sinh Hải Vân quan.

Và cái bắt tay thứ 2 giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế là cùng nhau trùng tu, phục dựng, tôn tạo phát huy giá trị Hải Vân quan, hồ sơ đã trình ra Bộ VH-TT&DL. Giữa năm 2019, lãnh đạo của 2 địa phương đã gặp nhau và ký một biên bản ghi nhớ 2 bên trước mắt góp hơn 20 tỉ đồng mỗi bên để thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo Hải Vân quan.

Theo ông Hùng, nếu 2 bên cùng làm thủ tục đầu tư thì rất rườm rà, mất thời gian nên Đà Nẵng ủy quyền để Thừa Thiên Huế thực hiện. Vì Huế là nơi có nhiều kinh nghiệm, Ban quản lý di tích cố đô Huế cũng đã làm nhiều công trình nên ủy quyền cho Huế là hợp lý.

PHÚC TƯỜNG

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác