Những nguy cơ khi sử dụng sim “không chính chủ”
Đăng ngày 27-10-2021 12:52, Lượt xem: 25103

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 5-2021, tổng số thuê bao di động phát sinh trên cả nước phát sinh lưu lượng là 123,32 triệu thuê bao, trong đó thuê bao di động chỉ dùng dịch vụ thoại và tin nhắn vẫn còn tới 50 triệu. Với dân số chưa đến 100 triệu người, trung bình mỗi người dân Việt Nam có hơn 1 thuê bao di động. Trong 6 tháng đầu năm 2021 ngành đã xử lý, thu hồi gần 10 triệu SIM kích hoạt sẵn (SIM rác). Ngoài ra, rất nhiều người chủ quan, đã không đăng ký thông tin “chính chủ” cho số điện thoại của mình đang dùng, nghĩa là sử dụng “sim không chính chủ”, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc mà khi hối hận thì đã muộn.

Rất nhiều người chủ quan, đã không đăng ký thông tin “chính chủ” cho số điện thoại của mình đang dùng dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc mà khi hối hận thì đã muộn. ẢNH MINH HỌA

SIM điện thoại không chính chủ nghĩa là chiếc SIM đó không có thông tin gì liên quan đến người sử dụng hiện hành theo quy định của pháp luật như ảnh chân dung, CMND hoặc SIM được đăng ký dưới tên người khác. Nói cách khác, người sử dụng Sim hiện hành đang sử dụng một “tài sản” đứng tên người khác, chưa được pháp luật công nhận quyền sở hữu, nên trong quá trình sử dụng có thể sẽ nảy sinh nhiều nguy cơ rủi ro.

Mới đây, đã có người gửi đơn đến cơ quan chức năng, tố cáo về việc một người khác đăng thông tin cá nhân của mình lên Internet mà không được sự đồng ý, trong các thông tin bị đăng tải có số điện thoại. Vì vậy, sau khi thông tin bị đăng tải thì nạn nhân nhận được nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn quấy rối, ảnh hưởng đến đời sống của mình.

Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng đề nghị người tố cáo cung cấp tài liệu chứng minh số điện thoại thuộc quyền sở hữu được đăng ký thông tin thuê bao của người sử dụng hiện hành thì không cung cấp được, vì SIM điện thoại đăng ký bằng tên của người khác, người sử dụng hiện hành chưa đăng ký lại thông tin thuê bao thành tên của mình.

Vì vậy, cơ quan chức năng chưa có đủ cơ sở pháp lý để giải quyết đơn, nghĩa là trong trường hợp này, “quyền và lợi ích” chưa “hợp pháp” nên chưa thể có các biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, người sử dụng SIM không chính chủ còn có thể gặp phải nhiều nguy cơ khác như: Nếu không thực hiện thủ tục đăng ký lại thông tin thuê bao thì sẽ bị nhà mạng tạm ngừng cung cấp dịch vụ hoặc bị thu hồi SIM theo qui định tại điểm e, khoản 8, điều 15 của nghị định số 49/2017/NĐ-CP (tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo; thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.).

Hoặc bị tranh chấp, đánh cắp số điện thoại. Một “SIM số đẹp” mà không được đăng ký “chính chủ” thì nguy cơ mất SIM trong trường hợp xảy ra tranh chấp hoặc bị đánh cắp rất cao. Mặt khác, nghiên cứu kỹ quy trình báo mất – yêu cầu khóa rồi làm lại SIM, đồng thời biết được một số thông tin cơ bản của người sử dụng hiện hành, các đối tượng xấu hoàn toàn có thể đánh lừa nhà mạng để chiếm hữu SIM của nạn nhân. Bị lừa đảo, đánh cắp, chiếm đoạt dữ liệu thông tin cá nhân. Qua số máy chưa đăng ký chính chủ đang được kết nối với các thiết bị di động, các đối tượng xấu có thể đánh cắp, chiếm đoạt các thông tin cá nhân nhạy cảm, quan trọng như tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, ví điện tử, password của các tài khoản số…

Vào ngày 22-10, một khách hàng khác tại Đà Nẵng đã bị trừ tiền từ thẻ tín dụng Techcombank với hai giao dịch tổng cộng 20 triệu đồng, chỉ trong 2 giây. Hai giao dịch này trừ tiền liên tiếp với nội dung "Giao dịch thanh toán tại ZaloPay". Người này cho biết từng dùng ZaloPay và liên kết với thẻ ngân hàng, giao dịch thực hiện gần nhất cách đây khoảng 4 tháng. Vì biết dùng thẻ tín dụng rủi ro nên cô thường xuyên khóa tính năng thanh toán online 24/24 nhưng đúng vào hôm mất tiền, do vội mua đồ ăn chưa kịp khóa thẻ, sau đó chẳng may bị hack tiền.

Bị gọi điện, nhắn tin quấy rối, đe dọa vì chủ cũ của số điện thoại đã từng vay tiền của các công ty tài chính hoặc sử dụng các dịch vụ khác nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán. Trong trường hợp này, nếu người sử dụng hiện hành chưa đăng ký lại thông tin thuê bao chính chủ thì sẽ không được nhà mạng hỗ trợ giải quyết, thậm chí không có cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng giải quyết như ví dụ nêu ở đầu bài.

Chính vì vậy, để tránh gặp phải những nguy cơ nêu trên, đồng thời để có cơ sở pháp lý khi đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, hãy nhanh chóng liên hệ với các nhà mạng để đăng ký lại thông tin thuê bao, nhằm xác lập tính sở hữu hợp pháp đối với số điện thoại mà mình đang sử dụng.

NGUYỄN HƯNG LỢI

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác