Phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin gắn với xây dựng đô thị sáng tạo - khởi nghiệp
Đăng ngày 12-10-2020 15:51, Lượt xem: 4167

Trải qua quãng thời gian khó khăn trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19, một đại dịch ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội trên toàn thế giới và vẫn đang còn tiếp diễn chưa có hồi kết. Việt Nam chúng ta cũng không phải ngoại lệ, dịch bệnh cũng tác động đến đời sống xã hội và sự phát triển của đất nước trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và với sức mạnh đoàn kết của nhân dân cả nước, đến hôm nay chúng ta đã bước đầu thắng lợi trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Nhịp sống thành phố Đà Nẵng đã trở lại với những dòng người tấp nập dưới sắc hoa trên khắp các tuyến đường, báo hiệu một mùa hè sôi động, một cuộc sống an bình, nhộn nhịp, sự thân thiện của người dân sẵn sàng chào đón du khách và nhà đầu tư khi đặt chân đến thành phố đáng sống. Và cũng đúng thời gian này, thành phố đang tập trung cho công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXII của Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025 - một sự kiện chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng để tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời hoạch định phương hướng hành động cho nhiệm kỳ tới nhằm xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển bền vững, xứng tầm là trung tâm kinh tế - văn hóa của khu vực miền Trung - Tây Nguyên Việt Nam.

Trải qua hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) ngày 16/10/2003 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đà Nẵng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành thành phố năng động, sáng tạo, kinh tế tăng trưởng nhanh với tốc độ tăng giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 9.8%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 6,6 lần so với năm 2003. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô kinh tế có tăng nhưng chỉ chiếm 1,55% GDP của cả nước.

Để tiếp tục tạo nền tảng cho sự phát triển đột phá của thành phố Đà Nẵng, ngày 24/01/2019, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Nghị quyết có tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược nhằm định hướng tổng thể phát triển Đà Nẵng gắn với mô hình mới, đi cùng với việc thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá tạo điều kiện thuận lợi để thành phố tiếp tục phát huy những thành tựu của 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nghị quyết số 43-NQ/TW xác định ngành công nghiệp công nghệ cao là một trong ba trụ cột trong phát triển kinh tế của thành phố và chú trọng ưu tiên nguồn lực để phát triển 05 lĩnh vực mũi nhọn, trong đó có công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số. Đây là một trong các mục tiêu, nhiệm vụ then chốt của Đảng, chính quyền thành phố trong việc thực hiện thành công Nghị quyết 43-NQ/TW trong thời kỳ đổi mới, hội nhập toàn cầu với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, chính quyền thành phố phải nỗ lực trong việc huy động các nguồn lực, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành Trung ương nhằm thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng gia tăng sự đóng góp của hàm lượng công nghệ cao, công nghệ thông tin, tạo nên giá trị gia tăng cao và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Phát triển công nghiệp công nghệ cao

Khu công nghệ cao Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 1979/QĐ-TTg ngày 28/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ; là một trong ba Khu công nghệ cao quốc gia đa chức năng của cả nước. Mục tiêu chính của Khu công nghệ cao là trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển khoa học - kỹ thuật của thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung; thúc đẩy đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; hình thành và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của thành phố Đà Nẵng.

Về công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng; Tổng diện tích quy hoạch Khu công nghệ cao Đà Nẵng là 1.128,4 ha với 07 phân khu chức năng: Khu sản xuất công nghệ cao; Khu nghiên cứu - phát triển, đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp; Khu quản lý - hành chính; Khu công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối; Khu hậu cần, logistics và dịch vụ công nghệ cao; Khu phụ trợ và Khu ở. Tổng mức đầu tư là 8.841 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2012 đến năm 2020.

Khu công nghệ cao được thành lập từ năm 2010 nhưng hạ tầng Khu công nghệ cao được bắt đầu triển khai xây dựng từ năm 2012, nguồn vốn bố trí cho dự án từ năm 2010-2019 là 2.510,2 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương: 1.482,018 tỷ đồng (tỷ lệ 59%), vốn ngân sách địa phương: 1.028,18 tỷ đồng (tỷ lệ 41%), cụ thể:                               


Cổng vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Giai đoạn từ 2012 đến nay, thành phố đã tập trung huy động vốn đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghệ cao; đến nay, đã hoàn thành được 95% khối lượng của giai đoạn 1, 100% khối lượng của giai đoạn 2, cung cấp gần 400 ha đất sạch để phục vụ công tác thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao; đang triển khai xây dựng hạ tầng giai đoạn 3 của dự án Khu công nghệ cao.

Tháng 3-2020, Ban Quản lý đã khánh thành Trụ sở làm việc tại Khu công nghệ cao. Trụ sở làm việc có biểu tượng “đám mây” - tượng trưng cho ngành công nghệ thông tin hiện đại và hình ảnh “bánh răng” - đặc trưng cho công nghệ cơ khí, tự động hóa nhằm tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan mới, mang đậm sắc thái công nghệ, góp phần xây dựng Khu công nghệ cao trở thành một quần thể đô thị khoa học, nơi ươm mầm và là bệ phóng cho hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển các lĩnh vực công nghệ cao của thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến.


Trụ sở Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

Đối với các khu công nghiệp, từ bước đầu chỉ có 01 khu công nghiệp được hình thành năm 1995, đến năm 2004 (sau 10 năm), thành phố Đà Nẵng đã hình thành 06 khu công nghiệp gồm khu công nghiệp Liên Chiểu, khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, khu công nghiệp Hòa Khánh, khu công nghiệp Hòa Cầm, Khu công nghiệp dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng và Khu công nghiệp Đà Nẵng có quy mô diện tích 1.066,52 ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê và đưa vào sử dụng là 703,05 ha, với tỷ lệ lấp đầy chiếm 87,10%. Kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp đã được quy hoạch, đầu tư đồng bộ và hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư tại từng khu công nghiệp, cũng như liên kết, kết nối với hạ tầng xung quanh. Ban Quản lý cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các thủ tục về đầu tư, tham mưu thành lập, mở rộng 03 khu công nghiệp theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng thu hút đầu tư; cơ cấu lại doanh nghiệp trong các khu công nghiệp; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng nhà ở công nhân và các công trình phúc lợi xã hội cho người lao động tại các khu công nghiệp.

 

STT

Tên KCN

Tổng DT đất KCN theo quy hoạch
(ha)

DT đất công nghiệp có thể cho thuê theo quy hoạch
(ha)

DT đất công nghiệp đã cho thuê (ha)

DT đất công nghiệp còn lại (ha)

DT đất công nghiệp  chưa có hạ tầng
(ha)

Tỷ lệ
 lấp đầy
(%)

1

Đà Nẵng

50.10

41.87

41.87

0.00

0.00

100.00%

2

DVTS Đà Nẵng

50.63

45.72

45.72

0.00

0.00

100.00%

3

Hòa Cầm - GĐ1

149.84

107.07

94.57

12.50

12.50

88.33%

4

Hòa Khánh

394.00

303.93

303.93

0.00

0.00

100.00%

5

Hòa Khánh MR

132.60

107.40

100.35

7.05

0.00

93.44%

6

Liên Chiểu

289.35

201.16

116.61

84.55

30.29

57.97%

Tổng cộng

1,066.52

807.15

703.05

104.10

42.80

87.10%

Thống kê hiện trạng sử dụng đất trong các khu công nghiệp tại Đà Nẵng

Bên cạnh đó, với chủ trương quy hoạch xây dựng 03 khu công nghiệp mới có tổng mức đầu tư gần 14000 tỷ đồng, từ tháng 5/2020, Ban Quản lý bắt đầu mở thầu kêu gọi nhà đầu tư cho 03 dự án khu công nghiệp mới gồm Dự án khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2 tại phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) và xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) có diện tích 120 ha và suất đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng; Dự án khu công nghiệp Hòa Nhơn tại xã Hòa Nhơn, có diện tích 360 ha, với suất đầu tư gần 5.700 tỷ đồng và dự án khu công nghiệp Hòa Ninh tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang có diện tích hơn 400 ha và suất đầu tư gần 6.100 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 2.578 tỷ đồng. 

Về công tác xúc tiến đầu tư: Đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng, kể từ khi đi vào xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác thu hút đầu tư, giai đoạn 2012-2013, Khu công nghệ cao đã thu hút được 02 dự án FDI Nhật Bản đầu tiên là Tokyo Keiki và Niwa Foundry với tổng vốn đầu tư là 70 triệu USD; lũy kế gần 10 năm thành lập, tính đến tháng 5/2020, Ban Quản lý đã thu hút được 20 dự án, trong đó có 10 dự án FDI với tổng số vốn là 399,6 triệu USD (chiếm 61,4%) và 10 nhà đầu tư trong nước với tổng số vốn là 5855.9 tỷ đồng, tương đương với 250,95 triệu USD (chiếm 38,6%).

Được sự quan tâm chỉ đạo Thành ủy và của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng trong công tác xúc tiến đầu tư, số lượng và quy mô vốn đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng ngày càng tăng, đặc biệt là giai đoạn từ 2015-2020, cụ thể: Tổng vốn đầu tư của cả năm 2016 là 68 triệu USD, năm 2017 là 45.6 triệu USD, năm 2018 là 157,46 triệu USD và năm 2019 là 181,14 triệu USD. Nổi bật là thu hút dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Tập đoàn UAC, Mỹ) năm 2019 với tổng vốn 170 triệu USD. Điều này cho thấy Khu công nghệ cao Đà Nẵng đang đi đúng hướng, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, Ban Quản lý đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 08 dự án, trong đó 07 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 250,5 tỷ đồng và 01 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký 60 triệu USD (chiếm 72% nguồn vốn FDI thu hút toàn thành phố)[1]. Lũy kế đến tháng 5/2020, Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thu hút 484 dự án, trong đó 355 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng và 129 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1,54 tỷ USD; tham mưu tổ chức các sự kiện bên lề Diễn đàn đầu tư 2020 như: Khánh thành Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (170 triệu USD); Nhà máy sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử Key Tronic (70 triệu USD); Dự án Nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng - giai đoạn 1 (120 tỷ, tương đương 5,14 triệu USD) và khởi công xây dựng dự án Nhà máy sản xuất dụng cụ thể dục thể thao Daiwa mở rộng (40 triệu USD); Tiếp tục hỗ trợ, đôn đốc các Nhà đầu tư hoàn thành hồ sơ đang xúc tiến, kêu gọi để cấp và trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư tại Diễn đàn đầu tư 2020 với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 238,85 triệu USD.

Tiếp nối thành công và phát huy kết quả đã đạt được của năm “Đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018, 2019”, năm 2020, hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư của Ban Quản lý tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm gồm: Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tham mưu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các thủ tục đầu tư; tiếp tục hỗ trợ có hiệu quả cho các nhà đầu tư tại chỗ; tăng cường tiếp cận mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và nước ngoài; đặc biệt, là tập trung xúc tiến các dự án đầu tư trọng điểm tiến tới cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2020.

Về cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư: Ban Quản lý đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2018/NĐ-CP ngày 04/01/2018 quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Nghị định này quy định cơ chế huy động vốn đầu tư phát triển Khu công nghệ cao; các chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tín dụng đầu tư, tiền sử dụng hạ tầng…Đây là chính sách quan trọng tạo điều kiện đẩy mạnh huy động các nguồn lực và cơ sở pháp lý để xúc tiến thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng, xây dựng Khu công nghệ cao Đà Nẵng phát triển đạt mục tiêu tỷ lệ đóng góp vào GRDP của thành phố tối thiểu 15% đến năm 2030. Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Đề án tổng thể phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng đến năm 2030 nhằm định hướng chiến lược tổng thể công tác quy hoạch, xây dựng, thu hút đầu tư, phát triển Khu công nghệ cao; đang xây dựng Đề án triển khai mô hình Khu đô thị thông minh tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng; Đề án xây dựng, hình thành và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp Khu công nghệ cao Đà Nẵng giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030; tham gia Tổ giúp việc của Bộ Khoa học - Công nghệ nghiên cứu Nghị định thay thế Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28/8/2003 của Chính phủ về việc ban hành quy chế khu công nghệ cao; nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ hoạt động ươm tạo - khởi nghiệp tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng; khảo sát xây dựng giáo trình đào tạo về chuẩn kỹ năng công nghệ, khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo; triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình 36-CTr/TU ngày 13/01/2020 của Thành ủy nhằm phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao.

Về hoạt động hợp tác, triển khai các hoạt động ươm tạo, đào tạo phát triển nguồn nhân lực: Được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Ban Quản lý đã mở rộng mạng lưới quan hệ với các chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm của Cách mạng công nghiệp 4.0 và xem đây là kênh tương tác quan trọng để thu hút nguồn nhân lực, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp - sáng tạo. Ban Quản lý đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đại học, đối tác trong nước và quốc tế như Đại học Đà Nẵng, Đại học FPT, Đại học quốc gia Hanbat, Hàn Quốc; Đại học Nice Sophia Antipolis, Pháp; Công ty Ai20X Silicon Valley, Hoa Kỳ…; tham gia Hiệp hội Công viên khoa học Châu Á (ASPA) và tham dự Hội nghị thường niên của ASPA với tư cách là thành viên nhằm giao lưu, trao đổi, hợp tác về đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; kết nối hiệu quả cung - cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và khu công nghệ cao thông qua tổ chức các diễn đàn giao lưu, chia sẻ giữa Ban Quản lý, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố nhằm tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng, kết nối cung - cầu nhân lực đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Theo quy hoạch phát triển Khu Nghiên cứu - Phát triển, Ươm tạo - Đào tạo, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao được đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư là 121,11 tỷ đồng, bao gồm Khối nhà làm việc trung tâm ươm tạo quy mô 04 tầng và 01 tầng áp mái, 02 khối nhà để xe, 02 khối nhà xưởng có quy mô 02 tầng/1 khối và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Ủy ban nhân dân thành phố đã đầu tư xây dựng giai đoạn 1 gồm 01 nhà xưởng 02 tầng và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật với kinh phí đầu tư khoảng 35,18 tỷ đồng, đã bàn giao đưa vào khai thác sử dụng trong tháng 3/2020. Hạng mục Trung tâm đào tạo công nghệ cao và Trung tâm nghiên cứu - phát triển cũng được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn thiết kế hạng mục hạ tầng kỹ thuật để xác định quy mô đầu tư 02 Trung tâm. Tổng vốn đầu tư xây dựng Trung tâm Đào tạo là 118,739 tỷ đồng và Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển là 212,42 tỷ đồng. Khu Nghiên cứu - Phát triển, Ươm tạo - Đào tạo tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng hình thành sẽ là nơi thu hút, ươm tạo các dự án công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu - phát triển, chuyển giao công nghệ, hoạt động đào tạo - hướng tới hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, là động lực thúc đẩy Khu công nghệ cao phát triển tương xứng với tiềm năng, vị trí của Khu công nghệ cao đa chức năng cấp quốc gia, được xây dựng gắn với quy hoạch trở thành khu đô thị khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao.

Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin

Công nghệ thông tin cũng là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội Đà Nẵng năm 2019 vừa qua. Trong năm mới 2020, thành phố sẽ có thêm nhiều hỗ trợ thiết thực để tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, hướng đến mục tiêu trở thành Trung tâm Công nghệ thông tin của cả nước và khu vực Đông Nam Á vào năm 2030 như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra.

Thành phố Đà Nẵng đã và đang phát triển 07 khu công viên phần mềm và Khu công nghệ thông tin tập trung. Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông, Đà Nẵng hiện có khoảng 3.800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (chiếm 14% tổng số doanh nghiệp) với gần 32.000 nhân lực. Doanh thu ở lĩnh vực này tăng trưởng với tốc độ trung bình 20%/năm.

Năm 2019, tổng doanh thu ngành thông tin và truyền thông Đà Nẵng ước đạt 30.050 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch, tăng 19,2% so với năm 2018. Trong đó, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin ước đạt 19.570 tỷ đồng, tăng 21,3%; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 89 triệu USD, đạt 111% so với kế hoạch, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, ước nộp ngân sách 125 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp phần mềm có tốc độ tăng trưởng cao, từ 25% đến 30%[2].


Lễ Khánh thành dự án Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park) - giai đoạn 1, ngày 29/3/2019.

Ngày 6-1-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 27/QĐ-TTg thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1 với diện tích 131 hecta, thuộc địa bàn xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, do Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Khu công nghệ thông tin tập trung được xây dựng theo mô hình “thung lũng silicon” của Hoa Kỳ và tiêu chuẩn của một khu công nghệ thông tin tập trung mang tầm cỡ quốc tế đầu tiên tại Đà Nẵng, sẽ trở thành một trong những cộng đồng phát triển công nghệ thông tin tốt nhất Châu Á, cung cấp những dịch vụ và nguồn nhân lực chất lượng cao, những sản phẩm công nghệ thông tin tốt nhất cho thế giới.[3]  

Trong chiến lược phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, Đà Nẵng được xác định nhiệm vụ “phát triển điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin gắn với nền kinh tế số” là 1 trong 5 nhiệm vụ ưu tiên triển khai; đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2025, công nghệ thông tin đóng góp vào 10% GRDP của thành phố và năm 2030 là 15% GRDP.

Thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chương trình số 40-CTr/TU ngày 21/01/2020 về triển khai thực hiện Chuyên đề “Đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, ưu tiên những nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm”. Chương trình xác định quan điểm, mục tiêu, các nhóm nhiệm vụ và giải pháp để phát triển các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, trong đó, định hướng phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng trên nền tảng lĩnh vực công nghệ được ưu tiên đầu tư phát triển với đầy đủ các chức năng nghiên cứu, phát triển, thương mại hóa, sản xuất công nghệ cao, trong đó lấy chức năng nghiên cứu - phát triển làm hạt nhân. Ưu tiên nguồn lực xây dựng các Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển, Ươm tạo, Đào tạo hình thành tổ hợp nghiên cứu với đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, có phòng thí nghiệm, trang thiết bị cho công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ. Về công nghiệp công nghệ thông tin, có chiến lược tiếp cận, hội nhập, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghệ thông tin trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là hạ tầng mạng viễn thông 5G, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, nền tảng công nghệ phục vụ thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…Phát triển hạ tầng công nghệ viễn thông hiện đại, tiếp tục triển khai các dự án công viên phần mềm và Khu công nghệ thông tin tập trung giai đoạn 2 làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin.

Những thành tựu và đột phá trong phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin thời gian vừa qua đã cho thấy sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị của thành phố trong nỗ lực thúc đẩy hiệu quả các thế mạnh làm động lực tăng trưởng kinh tế của thành phố. Tuy vẫn còn những khó khăn về nguồn vốn cho công tác đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghệ cao, cũng như tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp để phục vụ tăng trưởng ngành; nhưng với tầm nhìn chiến lược lâu dài của thành phố nói riêng và tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về Đầu tư nước ngoài, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0; với sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền thành phố, của Ban Quản lý và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác hỗ trợ nhà đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp thì định hướng mới về thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng cũng như lĩnh vực công nghệ thông tin, Khu công nghệ thông tin tập trung sẽ kỳ vọng gặt hái nhiều thành quả, hướng đến xây dựng đô thị sáng tạo - khởi nghiệp, đóng góp vào sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng trong tương lai.

PHẠM TRƯỜNG SƠN


[1] Tại các khu công nghiệp: 06 dự án trong nước: Công ty TNHH Kim Sora, Công ty TNHH MTV Thường Thắng Đạt, Công ty Cổ phần Cơ điện Lạnh Searee, Công ty Cổ phần Thiên Trọng Kim, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tonmat, Công ty TNHH Huy Dũng; Tại Khu Công nghệ cao: 01 dự án trong nước: Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng và 01 dự án FDI: Công ty TNHH Dentium; Trong Quý I/2020, toàn thành phố Đà Nẵng thu hút được gần 83,5 triệu USD vốn FDI.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác