Công tác dân vận góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận trong Nhân dân
Đăng ngày 29-03-2023 15:06, Lượt xem: 988

Sáng 29-3, Ban Dân vận Thành uỷ tổ chức Hội nghị triển khai Đề án một số giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030. Đến dự có Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đoàn Ngọc Hùng Anh.

Nhiều kết quả tích cực

Theo đó, qua hơn 12 năm triển khai, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả nhất định trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đến nay, theo thống kê, các quận huyện đã xây dựng được 482 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực: phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.

Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng đã triển khai thực hiện 107 mô hình; các sở, ngành, khối lực lượng vũ trang, đảng ủy trực thuộc đã xây dựng 89 mô hình, trong đó có nhiều mô hình được duy trì thực hiện qua nhiều năm.


Quang cảnh Hội nghị

Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, phong trào vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian đến. Từ thực trạng đó, Ban Dân vận Thành ủy đã chủ trì tham mưu và được Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng phê duyệt ban hành Đề án số 04-ĐA/TU ngày 31/12/2022 về một số giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố đến năm 2030… nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị thành phố về thực hiện công tác dân vận.

Theo Trưởng Ban Dân vận Thành uỷ Lê Văn Trung, Đề án số 04 về một số giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 gồm 7 phần chính.

Từ thực tiễn, kết quả triển khai phong trào trên địa bàn thành phố trong thời gian qua, Ban Dân vận Thành ủy đã phân tích, đánh giá, tổng kết những cách làm hay, hiệu quả, tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy đề ra 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp tổng thể tổ chức thực hiện, xác định cụ thể mục tiêu đạt được trong giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030.


Trưởng Ban Dân vận Thành uỷ Lê Văn Trung phát biểu tại Hội nghị

Trưởng Ban Dân vận Thành uỷ Lê Văn Trung mong muốn, sau Hội nghị này với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố, phong trào thi đua “Dân vận khéo” với những phương thức dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện sẽ góp phần huy động sức mạnh tổng thể của mỗi người dân, “của tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể” nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của thành phố.

Tại Hội nghị, Ban Dân vận Thành ủy đã khái quát những kết quả đạt được của phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua; đồng thời triển khai những nội dung cơ bản của Đề án số 04-ĐA/TU.

Trong đó, chú trọng việc phát động xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thành phố.

Nhiều mô hình “Dân vận khéo” phát huy hiệu quả thiết thực

Hội nghị cũng được lắng nghe các nhân vật thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trao đổi, thảo luận, đưa ra những kinh nghiệm cũng như đề xuất, kiến nghị để phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục phát huy hiệu quả, thực hiện tốt phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

Theo bà Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, tháng 7-2021 xuất phát từ thực tiễn, Ban Thường vụ Thành đoàn cho ra đời mô hình “Chúng con luôn bên Mẹ” nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc thực hiện các chính sách đối với người có công. Mô hình được duy trì thường xuyên 2 tháng 1 lần tại nhà của 98 Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn thành phố và nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của đông đảo đoàn viên thanh niên.


Các nhân vật thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trao đổi, thảo luận

“Bên cạnh thăm, khám sức khoẻ cho Mẹ, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, lau chùi bàn thờ Liệt sĩ, các đoàn viên thanh niên còn thăm hỏi, trò chuyện, nấu bữa cơm và dùng cơm với Mẹ. Khi trò chuyện với các Mẹ Việt Nam anh hùng, được nghe các Mẹ kể về những năm tháng kháng chiến hào hùng của dân tộc, các bạn đoàn viên thanh niên sẽ thấu hiểu hơn đối với sự hy sinh mất của thế hệ đi trước, từ đó thôi thúc chúng ta hãy sống tốt nhất, làm việc có ích nhất để cống hiến cho đất nước”, bà Thảo nói.

Bà Thảo nhận định, muốn mô hình “Dân vận khéo” phát huy hiệu quả thì mô hình phải có ý nghĩa, tác động sâu rộng đến nhận thức, từ đó dẫn đến thay đổi hành động và mang thông điệp giáo dục.

Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu cho biết, những năm qua, Mặt trận phường luôn quan tâm, xây dựng các mô hình điển hình, trong đó có mô hình“Khu dân cư văn hóa, văn minh sống tốt đời đẹp đạo” và chọn Khu dân cư Quang Thành 3A1 là đơn vị làm điểm.

“Điều kiện tiên quyết để mô hình triển khai đạt hiệu quả cao là phải bám sát sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Có như vậy công tác dân vận mới đạt được hiệu quả cao”, ông Trung nói.

Còn theo bà Ngô Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Hoà Liên (huyện Hoà Vang), xã Hoà Liên có 40 dự án với 350 hộ dân nằm trong diện di dời, giải toả, trong đó có nhiều dự án trọng điểm của thành phố. Vì vậy, công tác giải phóng mặt bằng (GPM) luôn được các cấp chính quyền của địa phương tập trung triển khai.

Bà Hà cho rằng, xác định, giải phóng GPMB là công việc khó khăn, thường nảy sinh những vấn đề xã hội phức tạp, khó lường, do đó, Hội LHPN xã Hoà Liên luôn bám sát cơ sở, có mặt trước những vụ việc khó khăn phức tạp, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng cuả người dân để tháo gỡ những “nút thắt” trong quá trình triển khai.

“Dân vận khéo” trong công tác GPMB sẽ tạo được sự đồng thuận của các hộ dân trong khu vực giải tỏa; thực hiện, chấp hành bàn giao mặt bằng, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Ngoài ra, muốn phát huy hiệu quả mô hình này thì cần đề cao vai trò đối thoại giữa người đứng đầu và Nhân dân, làm sao để dân hiểu đúng, đủ các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, giải quyết vấn đề từ gốc sẽ tháo gỡ khó khăn”, bà Hà chia sẻ.

Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục phát huy hiệu quả

Phát biểu chỉ đạo, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng cần xác định rõ quan điểm “Dân vận khéo” là biện pháp tối ưu để huy động nguồn lực, sự đồng thuận trong Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ gắn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và bài học lịch sử mà cha ông ta đã để lại “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

Bên cạnh các nguồn lực đã được bố trí cho các địa phương, đơn vị tại Đề án các địa phương, đơn vị cần quan tâm việc bố trí nguồn lực theo lộ trình giai đoạn và hằng năm để thực hiện có hiệu quả, thực chất, tạo sức lan tỏa sâu rộng các mô hình “Dân vận khéo” tại cơ sở.


Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu chỉ đạo

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ đề nghị, Đảng đoàn HĐND thành phố chỉ đạo nghiên cứu, triển khai thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về phong trào thi đua “Dân vận khéo”; chỉ đạo xây dựng và ban hành những chính sách phù hợp với quan điểm đặt lợi ích của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, giải quyết những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống Nhân dân.

Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong các đơn vị hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố. Hằng năm, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền bố trí kinh phí, nguồn lực để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án này.

Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo, đài thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào “Dân vận khéo”; lưu ý công tác truyền thông chính sách trên không gian mạng để người dân nắm, hiểu nhanh, đầy đủ và kịp thời các chủ trương, chính sách, các mô hình, cách làm mới của thành phố.


Lãnh đạo thành phố trao bảng biểu trưng cho các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên địa bàn

“Thường trực Thành ủy ghi nhận, đánh giá cao trách nhiệm của Ban Dân vận Thành ủy trong công tác tham mưu triển khai thực hiện Đề án, thời gian đến, đề nghị Ban tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án. Trong đó, chú trọng lựa chọn, nhân rộng các mô hình có hiệu quả; xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai nhân rộng đối với 16 mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, hoàn thành trong quý II/2023. Định kỳ hằng năm, báo cáo và đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện Đề án để Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, chỉ đạo”, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.

Dịp này, Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng đã chọn ra 16 mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên địa bàn thành phố để trao bảng biểu trưng, nhằm ghi nhận hiệu quả, ý nghĩa thiết thực và sức lan tỏa của các mô hình.

THỦY THANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.