Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố giám sát việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Đăng ngày 07-02-2023 17:56, Lượt xem: 185

Ngày 7-2, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng chủ trì buổi làm việc giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố với UBND thành phố nhằm giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố. Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tham dự và báo cáo với đoàn.

Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng làm việc với UBND thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Tính đến năm học 2021-2022, giáo dục phổ thông thành phố có 209 trường phổ thông trong và ngoài công lập của các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông. Trong đó, có 109 trường có cấp tiểu học, với tổng số 106.730 học sinh; có 67 trường có cấp học THCS, với tổng số 66.165 học sinh; có 33 trường có cấp học THPT, với tổng số 34.590 học sinh. Trong những năm qua, thành phố đã thực hiện tốt việc quy hoạch mạng lưới trường lớp; thực hiện việc xây dựng, nâng cấp các phòng học; việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học được HĐND, UBND thành phố và các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm và đưa vào Nghị quyết của HĐND thành phố.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Lê Trung Chinh đánh giá, việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông có tác động tích cực rất lớn đối với giáo dục phổ thông, chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, từ việc quan tâm đến việc học sinh học được cái gì đến việc quan tâm học sinh vận dụng được cái gì qua việc học. Chuyển từ phương pháp dạy học theo lối "truyền thụ một chiều" sang dạy cách học, vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất.

Đồng thời, chuyển cách đánh giá kết quả giáo dục từ nặng về kiểm tra trí nhớ sang kiểm tra, đánh giá năng lực vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề, coi trọng cả kiểm tra đánh giá kết quả học tập với kiểm tra đánh giá trong quá trình học tập để có thể tác động kịp thời nhằm nâng cao chất lượng của các hoạt động dạy học và giáo dục.

“Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được sự quan tâm của tất cả các cấp ủy Đảng, ngành, địa phương; về cơ bản đã tạo được những chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục ngày được quan tâm đầu tư; môi trường học tập của học sinh được cải thiện; trình độ cán bộ quản lý giáo dục, năng lực giáo viên và chất lượng giáo dục trên địa bàn ngày càng nâng cao. Từ đó, tạo được niềm tin trong nhân dân cũng như cha mẹ học sinh đối với ngành giáo dục và cả hệ thống chính trị”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu tại buổi làm việc

Theo Chủ tịch Lê Trung Chinh, bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn gặp khó khăn trong việc tổ chức dạy học các môn năng khiếu do thiếu giáo viên cục bộ; tỉ lệ học sinh trên lớp ở một số cơ sở giáo dục còn cao so với sĩ số quy định; đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học còn chậm; chưa tổ chức tập huấn, bồi dưỡng và bổ sung kịp thời đội ngũ giáo viên để dạy học các môn học/hoạt động giáo dục mới như môn Khoa học tự nhiên đối với cấp THCS, môn Âm nhạc và Mĩ thuật đối với cấp THPT... Điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại thành phố.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương cùng những kết quả đạt được khá toàn diện trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 trên địa bàn thành phố. Qua đó khẳng định, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cơ bản phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo yêu cầu của Trung ương, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

“Qua hoạt động giám sát trực tiếp tại một số trường, một số địa phương, cũng như làm việc với UBND thành phố cho thấy, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được triển khai có hiệu quả trên thực tế. Đây là cơ sở để kiến nghị với Quốc hội về việc có tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 hay không. Từ đó, hướng đến việc ổn định chính sách phát triển giáo dục như mong muốn, đề xuất của đồng chí Chủ tịch UBND thành phố”, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố nhấn mạnh.

Đồng thời, đề nghị UBND thành phố hoàn thiện báo cáo trên tinh thần phản ánh đầy đủ các mặt đạt được cũng như các khó khăn, vướng mắc, trong đó tập trung làm rõ hơn hai nhóm vấn đề chính: khó khăn, vướng mắc về cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học, bao gồm hạ tầng trường lớp và các trang thiết bị phục vụ dạy - học; khó khăn về việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình mới.

Theo Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng, UBND thành phố cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tốt, hiệu quả Chương trình hành động số 35-CTr/TU ngày 25-1-2014 của Thành ủy Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; tiến hành sơ kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết; chỉ đạo ngành giáo dục tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm chuyên sâu bàn về các giải pháp để khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông từ cơ sở.

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3-7-2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng phát biểu kết luận buổi làm việc

“Đề nghị UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, rà soát về thực trạng, nhu cầu biên chế phục vụ cho công tác giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đồng thời, rà soát, điều chỉnh biên chế thừa thiếu cục bộ giữa các đơn vị, địa phương và cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Đã đến lúc chúng ta cần phải bàn đến việc có cơ chế linh hoạt hơn cho việc điều chỉnh giáo viên giữa các cơ sở giáo dục và giữa các địa phương với nhau”, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng nêu rõ.

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố lưu ý ngành giáo dục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ hàng năm cho đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tập trung nguồn lực, lồng ghép, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án về đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành giáo dục.

“UBND thành phố cần tăng cường xúc tiến, tạo môi trường thuận lợi để kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực giáo dục trên địa bàn, góp phần giảm gánh nặng về biên chế giáo viên cho các cơ sở giáo dục công lập, đồng thời có thêm nguồn lực để thực hiện việc nâng cấp, mở rộng trường, lớp, mua sắm trang thiết bị… Để làm được điều này, trước tiên, chúng ta cần sớm xây dựng cơ chế xã hội hóa giáo dục trên tinh thần chủ động theo thẩm quyền”, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.