Vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy hiệu quả
Đăng ngày 21-05-2022 18:41, Lượt xem: 752

Thời gian qua, giám sát và phản biện xã hội được xem là nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Những kết quả đạt được từ công tác giám sát, phản biện xã hội vừa góp phần khẳng định vai trò của tổ chức, vừa tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thành phố nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của thành phố.

Tăng sự đồng thuận của nhân dân

Từ 2013-2021, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố đã chủ trì 998 cuộc giám sát chuyên đề (Mặt trận thành phố chủ trì 34 cuộc giám sát; Mặt trận quận, huyện chủ trì 139 cuộc giám sát, Mặt trận phường, xã chủ trì 783 cuộc giám sát và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ trì 42 cuộc giám sát). Qua giám sát, đã kiến nghị chính quyền xem xét giải quyết nhiều vấn đề gây bức xúc trong nhân dân, đã gửi nhiều kiến nghị đến các cơ quan chức năng, trong đó nhiều kiến nghị đã giải quyết, trả lời công khai và được nhân dân đồng tình.


 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức Hội nghị Phản biện xã hội đối với Đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn vào tháng 10-2021

Hoạt động phản biện xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến năm 2021, Mặt trận các cấp thành phố đã chủ trì 99 hội nghị phản biện xã hội với nhiều hình thức phản biện xã hội khác nhau. Đặc biệt, sự thành công 11 hội nghị phản biện xã hội cấp thành phố đã tạo ảnh hưởng lớn trong hệ thống và được dư luận nhân dân đồng tình. Mặt trận thành phố cũng chủ động linh hoạt, tổ chức các đoàn khảo sát thực địa (trước hội nghị); ý kiến phản biện của Mặt trận được chính quyền các cấp và cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm cho biết, bên cạnh công tác giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận luôn giữ vai trò quan trọng là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, nhất là trong công cuộc thay đổi diện mạo thành phố, triển khai các dự án, công trình, trong các chủ trương phát triển kinh tế, ổn định xã hội của thành phố, được khẳng định với phương châm “Đảng nói - dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo; Chính quyền làm - dân ủng hộ”.


UBMTTQ Việt Nam thành phố tổ chức Hội nghị tập huấn công tác giám sát hoạt động đại biểu dân cử năm 2022

Mặt trận các cấp thành phố đã tổ chức 1.969 hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố và đại biểu HĐND các cấp với hơn 200.000 lượt cử tri tham dự, phát biểu 17.696 ý kiến, kiến nghị được gửi đến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các cơ quan dân cử theo luật định; có hơn 17.000 ý kiến được các cấp, các ngành trả lời và giải quyết. Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội thành phố đã tham gia tích cực vào 65 lượt Dự án Luật, trên 150 văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, bộ, ngành, HĐND và UBND thành phố…

"Những kết quả nói trên đã góp phần đưa tiếng nói của hội viên, đoàn viên đến với Đảng, với chính quyền các cấp, từ đó tăng cường sự đồng thuận của nhân dân, đưa chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống", Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm nhận định.

Tạo điều kiện để hội viên phụ nữ đóng góp ý kiến

Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố, công tác giám sát, phản biện được xác định là nhiệm vụ quan trọng giúp tổ chức Hội phụ nữ thực hiện tốt hơn chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho phụ nữ, nâng cao vai trò, vị thế của Hội.

Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Lương Thị Đạo cho biết, từ năm 2013 đến nay, các cấp Hội phụ nữ toàn thành phố đã thành lập 649 đoàn chủ trì giám sát việc triển khai, thực hiện luật, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em trên địa bàn thành phố.

Nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua, các cấp Hội LHPN từ thành phố đến phường, xã đã triển khai công tác giám sát tập trung vào 3 chuyên đề: Giám sát hoạt động của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục; Giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tuyến xã, phường, giám sát việc giải quyết các vụ án bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái. Trong quá trình giám sát, các cấp hội sử dụng linh hoạt hình thức giám sát theo đoàn và giám sát cộng đồng; việc phân cấp giám sát được tiến hành rõ ràng để công tác giám sát không bị chồng chéo.


Hội LHPN các cấp thực hiện giám sát hoạt động của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. ẢNH: HỘI LHPN TP

Trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, Hội LHPN các cấp tiến hành giám sát các chợ do UBND cùng cấp quản lý; Hội LHPN quận/ huyện và xã/ phường giám sát cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tuyến xã/ phường. Cán bộ, hội viên và Chi hội phụ nữ giám sát cộng đồng đối với một số chợ và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tuyến xã/ phường có trên địa bàn khu dân cư.

Đối với việc giám sát nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, hàng năm, yêu cầu giám sát 100% nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn thành phố, trong đó giám sát theo đoàn ít nhất là 140 nhóm.

Về giám sát việc giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, 100% các cấp Hội tham gia giám sát và giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em xảy ra tại địa phương. Trong đó, từ năm 2016 đến 2021, Hội LHPN thành phố đã tổ chức 5 đợt giám sát chuyên đề về 3 nội dung liên quan đến phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ trẻ em.

"Sau mỗi đợt giám sát theo đoàn, các cấp hội đều có văn bản kiến nghị gửi các ngành liên quan, và đều nhận được phản hồi tiếp thu các kiến nghị. Các kiến nghị, đề xuất của các cấp Hội luôn được cấp ủy, chính quyền và các cơ quan liên quan quan tâm giải quyết", Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Lương Thị Đạo cho biết.

Đối với nhiệm vụ phản biện xã hội, từ năm 2013 đến nay, các cấp Hội đã tham gia phản biện xã hội, đóng góp ý kiến đối với 795 dự thảo văn bản có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên phụ nữ và trẻ em, trong đó, Hội LHPN thành phố đã thực hiện góp ý trực tiếp 119 văn bản dự thảo.

"Hoạt động giám sát, phản biện của Hội LHPN các cấp trên địa bàn thành phố đã tạo điều kiện để hội viên phụ nữ phát huy quyền làm chủ, đóng góp ý kiến vào việc thực thi chính sách, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời điều chỉnh, sửa đổi bổ sung những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Qua đó, mối quan hệ của tổ chức Hội Phụ nữ với các cấp, các ngành và các đoàn thể xã hội ngày càng được thắt chặt, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập để phụ nữ được thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo công bằng, bình đẳng, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Lương Thị Đạo đánh giá.

NGUYÊN THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.