Đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới
Đăng ngày 20-05-2022 17:09, Lượt xem: 675

Ngày 20-5, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng phối hợp Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Đại sứ quán các nước Tây và Bắc Âu, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tổ chức Hội thảo quốc tế “Đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước Tây, Bắc Âu và tầm nhìn Đà Nẵng”. Hội thảo là hoạt động được triển khai dựa trên đề án "Xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 trong giai đoạn 2022 – 2025".

Tham dự Hội thảo có Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, đại diện các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán nhiều quốc gia cùng lãnh đạo các Hiệp hội thương mại, doanh nghiệp nước ngoài, các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị thông minh.

Phát triển đô thị thông minh để cân bằng môi trường, kinh tế, xã hội

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhấn manh, việc triển khai xây dựng thành phố thông minh là xu hướng chung của thế giới, được Thành ủy, UBND thành phố nhận thức và quyết tâm hành động trong quá trình xây dựng phát triển bền vững thành phố. Đặc biệt, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030 “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”.

Từ năm 2010, Đà Nẵng đã ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử và năm 2014 đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố. Cũng từ năm 2014, thành phố bắt đầu triển khai thí điểm một số ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực: giao thông, môi trường, y tế, giáo dục, vệ sinh an toàn thực phẩm... Kế thừa hạ tầng, nền tảng và kinh nghiệm, kết quả đạt được, năm 2018 thành phố đã ban hành Kiến trúc thành phố thông minh bao gồm 06 trụ cột và 16 lĩnh vực ưu tiên; chính thức ban hành, triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định lộ trình cụ thể và các chương trình, dự án ưu tiên như cung cấp dịch vụ công thông minh, giao thông, an ninh trật tự, môi trường, cấp điện, cấp nước, phòng chống thiên tai…

Ngày 28/8/2021, thành phố Đà Nẵng ban hành "Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", trong đó xác định chuyển đổi số là “chìa khóa” để giải quyết “điểm nghẽn” của thành phố, mở ra không gian phát triển mới, cũng như để đạt mục tiêu của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đến nay, thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực, chuyển quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công từ truyền thống sang dựa trên dữ liệu số và công nghệ số. Thành phố đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao trong quá trình xây dựng thành phố thông minh như Giải thưởng ASOCIO Smart City 2019 của Tổ chức công nghiệp điện toán Châu Á - Châu Đại Dương; Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam liên tiếp trong hai năm 2020 và năm 2021.

"Để triển khai thành phố thông minh thành công, chúng tôi đã đặt ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó tăng cường hợp tác với các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận và chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nguồn lực tài chính. Trong thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã ký kết hợp tác với các tập đoàn lớn trong nước như Viettel, VNPT, FPT, Vietinbank và nhận được sự tư vấn, tài trợ từ các cơ quan, tổ chức quốc tế như: Tổ chức các thành phố thông minh thế giới WeGO, Mạng lưới các Thành phố thông minh ASEAN; KOICA, JICA...

Công nghệ không ngừng thay đổi, yêu cầu của người dân ngày càng cao hơn và cách tốt nhất là phải hợp tác để đáp ứng; hợp tác đó không chỉ là công nghệ mà còn là sự chia sẻ trải nghiệm của các mô hình, trao đổi kinh nghiệm tốt, thành công của các thành phố, doanh nghiệp." - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho hay.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga phát biểu

Theo Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga, phát triển đô thị thông minh trong kỷ nguyên số là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm. Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho rằng Đà Nẵng có cơ sở hạ tầng, dịch vụ và trình độ quản lý đáp ứng được các điều kiện để xây dựng thành phố thông minh. Chính quyền và người dân thành phố Đà Nẵng mong muốn xây dựng thành phố đô thị thông minh. Với nhận thức và quyết tâm đó, chính quyền thành phố ban hành các quyết định liên quan đến việc xây dựng đô thị thông minh, đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng công nghệ thông tin, mở rộng internet băng rộng giúp người dân dễ dàng tiếp cận internet. 

"Nhiều quốc gia Tây, Bắc Âu có thế mạnh và đã đạt nhiều thành tựu trong việc xây dựng, quản lý đô thị thông minh. Hội thảo lần này là hoạt động thiết thực nhằm triển khai nghị quyết; giới thiệu các thành tựu trong việc xây dựng và quản lý đô thị thông minh của các quốc gia Tây, Bắc Âu để thành phố Đà Nẵng rút kinh nghiệm, áp dụng phù hợp với thực tiễn."

Hội thảo gồm phiên toàn thể và hai phiên chuyên đề, giới thiệu tổng quan về chính sách phát triển đô thị thông minh của Việt Nam và những hoạch định chính sách của thành phố Đà Nẵng trong việc thúc đẩy quá trình xây dựng thành phố thông minh. Trong chuyên đề “Quản trị đô thị thông minh” và “Hạ tầng Đô thị thông minh,” các diễn giả đã giới thiệu mô hình thực tế, chia sẻ những kinh nghiệm tại các nước châu Âu: Mô hình thực tế Giao thông thông minh tại Áo; Thành phố thông minh: Kinh nghiệm từ Vương quốc Anh; Kinh nghiệm, giải pháp cung cấp nước sạch cho đô thị thông minh; Xây dựng đô thị thông minh tại Hà Lan; Giải pháp giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường tại đô thị thông minh; Kinh nghiệm, giải pháp chiếu sáng đô thị thông minh... Đồng thời, chia sẻ các ứng dụng, lợi thế công nghệ nhằm đưa ra giải pháp về tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng cũng như các giải pháp để giải quyết những vướng mắt, điểm nghẽn trong công tác phát triển đô thị.

Chú trọng giao thông thông minh

Tiêu biểu tại Hà Lan, "Thành phố thông minh" là một phần của chương trình nghị sự về phát triển đô thị bền vững của đất nước này. Chính phủ Hà Lan đã xác định chiến lược khai thác sức mạnh công nghệ để mang lại lợi ích cho xã hội và nền kinh tế. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa công và tư trong nghiên cứu, Hà Lan là nơi sản sinh ra các công nghệ cho phép quan trọng, chẳng hạn như sản xuất tiên tiến, quang tử và dữ liệu lớn.

Tổng lãnh sự Hà Lan tại thành phố Hồ Chí Minh Daniel Coenraad Stork cho hay, các khái niệm "Thành phố thông minh" của Hà Lan được biết đến là tích hợp và tuần hoàn. Việc tạo ra các khái niệm tuần hoàn cho các thành phố bền vững đòi hỏi một cách tiếp cận mới trong việc quản lý "tài nguyên quan trọng", chẳng hạn như nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, không gian... giúp hệ thống tự nhiên làm sạch và tái sử dụng hoạt động.

Học cách đối phó với những thách thức về nước qua nhiều thế kỷ đã khiến đất nước này có khả năng chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu. Song song với các giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, di động thông minh và xanh, Hà Lan liên tục nghiên cứu và phát triển các giải pháp di chuyển đô thị sạch, lành mạnh và an toàn. Trong đó, tập trung điều chỉnh cách tiếp cận tích hợp của di chuyển đô thị, có tính đến nhu cầu của người đi bộ và đi xe đạp cũng như ô tô, phương tiện giao thông công cộng và giao thông hàng hóa.

Ông Bakhtiyar Sharipov - Giám đốc Công ty TNHH Nectaris cho rằng, điều kiện sống của con người, sức khỏe và tình trạng môi trường là những chỉ số hàng đầu về chất lượng cuộc sống. Nâng cao chất lượng cuộc sống là một trong những yếu tố cơ bản nhằm thực hiện mục tiêu chính do cộng đồng thế giới đặt ra và cần được thể hiện trong khái niệm Thành phố thông minh hiện đại.

"Mục tiêu của việc xây dựng thành phố thông minh là nâng cao chất lượng cuộc sống với sự trợ giúp của công nghệ tin học đô thị, nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ và đáp ứng nhu cầu của cư dân. Những thành phố thông minh cho thấy hiệu quả không chỉ ở việc công nghệ nào được sử dụng, mà còn ở cách chúng kiểm soát, phân tích, hoạch định, quản lý đô thị và các nguồn lực của đô thị ra sao."

Toàn cảnh hội thảo

Theo ông Hans-Peter Glanzer, Đại sứ Cộng hoà Áo tại Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử, các thành phố luôn là động lực của quá trình đổi mới khoa học, công nghệ, văn hóa và xã hội. Nhiều thành phố đã phát triển, trở thành môi trường sống hấp dẫn với chất lượng cuộc sống cao. Tầm quan trọng to lớn của các đô thị trên thế giới trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, các vấn đề xuyên biên giới xuyên biên giới đã được ghi nhận trong Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc. Và các thành phố trên thế giới đang ngày càng đóng vai trò quan trọng này. Trên toàn cầu, các Thành phố Thông minh đang trở thành yếu tố tiên phong cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Ngày càng nhiều người di chuyến đến sinh sống ở các thành phố. Hai phần ba dân số toàn cầu sẽ sống ở các thành phố vào năm 2050. Tuy nhiên sự phát triển đô thị cũng đặt ra một số thách thức: trước hết là việc giải quyết/giảm thiểu mức độ của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Các khu vực đô thị là nguyên nhân gây ra tỷ lệ cao về phát thải khí nhà kính, chất thải và tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu. Nhưng mặt khác, do mật độ đô thị dày đặc, khoảng cách ngắn và có thể là mức bao phủ giao thông công cộng cao. Cùng với đó, sự gia tăng dân số trong thành phố và khu vực phụ cận, lưu lượng phương tiện giao thông đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Giao thông cơ giới sẽ là gánh nặng lớn đối với môi trường bởi tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, phát thải khí nhà kính, gây ra ô nhiễm không khí, tiếng ồn và chiếm nhiều diện tích. Do đó, điều cần thiết là phải đánh giá lại việc di chuyển và giao thông từ góc độ "Thành phố Thông minh".

Đại sứ Cộng hoà Áo tại Việt Nam Hans-Peter Glanzer chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh

Ở Vienna (Áo) cũng như các nơi khác, giao thông vận tải là lĩnh vực cấu thành tỷ lệ lớn nhất lượng phát thải khí nhà kính. Gần một phần ba mức tiêu thụ năng lượng của Vienna là trong lĩnh vực giao thông vận tải. Việc chuyển đổi sang các công nghệ mới như động cơ điện làm giảm lượng khí thải do các phương tiện cơ giới tạo ra. Thành phố Vienna đang xúc tiến việc chuyển đổi các phương tiện giao thông sang các phương tiện không phát thải; phương thức đi lại thân thiện với môi trường bao gồm đi bộ, đi xe đạp, phương tiện giao thông công cộng hoặc đi chung xe ô tô. Mục tiêu giảm mức độ phát thải CO2 trên đầu người trong lĩnh vực giao thông vận tải 50% vào năm 2030 và 100% vào năm 2050.

"Cơ sở hạ tầng đô thị dành cho đi bộ, đi xe đạp và giao thông công cộng được tăng cường và mở rộng. Điều này cũng bao gồm việc thiết kế lại các tuyến đường công cộng để tạo ra không gian cần thiết cho việc di chuyển sinh thái và đảm bảo giá trị tiện nghi cao. Song song với việc cải thiện cơ sở hạ tầng cho sự di chuyển sinh thái, các biện pháp phù hợp được thực hiện để quản lý nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân." - Ông Hans-Peter Glanzer chia sẻ.

KIM PHƯỢNG

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác