Khảo sát nhu cầu vay vốn phát sinh của người nghèo, người gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19
Đăng ngày 23-12-2021 18:04, Lượt xem: 992

Ngày 23-12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì buổi làm việc với Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố về tình hình hoạt động quý IV năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý I năm 2022.

Trong quý IV năm 2021, Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố đã thông báo giáo tăng chỉ tiêu kế hoạch cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 50 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động. Song song với đó, tăng chỉ tiêu cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 3 tỷ đồng; giảm chỉ tiêu cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo 25 tỷ đồng và giảm cho vay dự án Nippon 625 triệu đồng.

Tổng nguồn vốn ước đạt 3.360 tỷ đồng, tăng 493 tỷ đồng so với năm 2020. Trong đó, nguồn vốn địa phương ước đạt 1.515 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45%/tổng nguồn vốn, tăng 266 tỷ đồng so với năm 2020.

Doanh số cho vay ước đạt 1.285 tỷ đồng với 26.000 lượt khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ ước đạt 802 tỷ đồng. Tổng dư nợ ước đạt 3.350 tỷ đồng với 75.100 khách hàng còn dư nợ; tăng 488 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ tăng 17% so với năm 2020.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu

Toàn thành phố có 56 xã phường đạt loại tốt về đánh giá chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã phường quý IV năm 2021. 17 xã phường không có nợ quá hạn, chiếm tỷ lệ 30,3%/ tổng số xã phường. 56 điểm giao dịch xã hoạt động ổn định, đạt hiệu quả trong việc truyền tải vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng, thời gian giao dịch đầy đủ, đúng quy định.

Toàn thành phố có 1.660 tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn, đạt tỷ lệ 93,52%, vượt chỉ tiêu phát động thì đua do Ban Đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố giao.

Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố phối hợp với các đơn vị tích cực xử lý các trường hợp khách hàng đi khỏi nơi cư trú, hiện còn 107 khách hàng đi khỏi nơi cư trú không xác định được địa chỉ với số tiền gốc 1.959 triệu đồng, trong đó nợ quá hạn 73 khách hàng với dư nợ 1.245 triệu đồng. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, ước đến 31/12/2021 toàn thành phố có 2.200 món vay trên 3 tháng chưa nộp lãi tương ứng dư nợ 76 tỷ đồng.

Theo ông Đoàn Ngọc Chung - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố, năm 2022, Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng nguồn gốc, dư nợ năm 2022 tối thiểu 10% so với năm 2021. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay đạt tối thiểu 200 tỷ đồng theo kế hoạch được Trung ương giao năm 2022. Tỷ lệ nợ quá hạn thấp hơn 0,09% trên tổng dư nợ. Huy động tiền gửi tiết kiệm đạt 100% kế hoạch Trung ương giao. 100% xã phường xếp loại chất lượng tín dụng đạt tốt, 100% điểm giao dịch xã đạt chuẩn theo quy định.

Song song với công tác đối chiếu, phân loại nợ đến 100% khách hàng, các đơn vị tiếp tục thực hiện kiểm tra, giám sát đảm bảo theo đúng quy định. Nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn. Hàng tháng, tối thiểu 99% tổ tiết kiệm và vay vốn đạt loại tốt, khá, không có tổ xếp loại yếu; tối thiểu 98% tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia gửi tiền tiết kiệm; tối thiểu 93% tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn.

Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp tục phối hợp với địa phương triển khai kịp thời hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, đảm bảo 100% hộ thuộc đối tượng thụ hưởng của chương trình, có điều kiện vay vốn và có như cầu vay... đều được đáp ứng vốn phù hợp với quy mô, mô hình sản xuất kinh doanh để đầu tư đạt hiệu quả.

Ngân hàng Chính sách Xã hội phối hợp với địa phương, đoàn thể nhận ủy thác theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng chính sách. Từ đó, đề ra phương hướng, giải pháp khắc phục ảnh hưởng trong thời gian đến nhằm hỗ trợ hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh. Khảo sát nhu cầu vay vốn phát sinh của người nghèo, người gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19, các đối tượng chính sách của thành phố và đối tượng thuộc các chương trình tín dụng liên quan chương trình “Có việc làm” trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Mình yêu cầu Ngân hàng Chính sách Xã hội tập trung huy động vốn, giải ngân các nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là nguồn vốn UBND thành phố ủy thác đối ứng 50 tỷ vào cuối năm 2021 và năm 2022. Từ đó, các hộ nghèo, hộ chính sách có nguồn vốn sản xuất kinh doanh dịp Tết Nguyên đán, thu hồi nợ để cho vay quay vòng, nâng cao chất lượng hoạt động điểm giao dịch xã, chỉ đạo xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn.

Các đơn vị triển khai thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng chính sách năm 2022 khi được Trung ương và UBND thành phố phân bổ, giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2022; báo cáo kết quả thực hiện chương trình cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kết thúc trước 25-3-2022.

Ngân hàng Chính sách Xã hội tập trung thực hiện việc giảm lãi cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội nhận ủy thác phối hợp ngân hàng chính sách xã hội triển khai thực hiện đối chiếu, phân loại nợ theo quy định theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn.

THÙY LINH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT