Cục Thuế thành phố đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19
Đăng ngày 26-11-2021 20:45, Lượt xem: 1312

Nhằm giải đáp các vướng mắc về chính sách thuế và các thủ tục hành chính về thuế hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19 với mong muốn cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn thành phố từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19, chiều 26-11 Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng phối hợp Cục Thuế thành phố tổ chức chương trình đối thoại trực tuyến với chủ đề: “Cục Thuế thành phố đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19”.

Thông tin tại chương trình, ông Trương Công Khoái – Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố cho biết, trong 2 năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, kinh tế - xã hội của thành phố, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh ảnh hưởng chung do dịch bệnh, Chính phủ, Quốc hội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ: chính sách giảm thuế, gia hạn nộp thuế, miễn giảm tiền thuê đất. Cùng với đó, ngành Thuế thành phố thường xuyên thông tin, kịp thời đưa các chính sách của Chính phủ, Quốc hội đến với người nộp thuế; đồng thời, tham mưu các chính sách hỗ trợ cho người nộp thuế, đồng hành cùng người nộp thuế vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.


Ông Trương Công Khoái – Phó cục trưởng Cục Thuế thành phố chia sẻ tại chương trình

Tại chương trình, lãnh đạo Cục Thuế thành phố và đại diện các phòng chuyên môn - nghiệp vụ Cục Thuế thành phố đã trả lời, giải đáp hơn 50 câu hỏi của bạn đọc, người dân, doanh nghiệp gửi về cho chương trình xoay quanh các vấn đề hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và các thủ tục hành chính về thuế. 

Giải đáp thắc mắc của Công ty TNHH Japan Quality về cách tính chi phí phòng chống dịch của công ty, ông Trương Công Khoái cho biết, theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC và Công văn số 4110/TCT-DNNCN, trường hợp Công ty TNHH Japan Quality phát sinh các chi phí liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 tại công ty như mua đồ khử khuẩn, khử trùng văn phòng, khẩu trang phòng dịch; chi phí cách ly y tế do dịch COVID-19 ở trong nước và tại nước ngoài (chi phí đưa đón từ nơi nhập cảnh vào Việt Nam, chi phí khách sạn cách ly, chi phí xét nghiệm Covid-19) đối với người lao động của công ty (bao gồm người Việt Nam và người nước ngoài) để thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu các khoản chi phí nêu trên đáp ứng điều kiện tại Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC) thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và không tính và thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.

Ông Phạm Hữu Trung - Trưởng phòng Tuyên truyền –Hỗ trợ thông tin thêm, nếu trong đợt dịch COVID-19, công ty có phát sinh chi phí xét nghiệm COVID-19 cho các nhân viên là tài xế lái xe nhưng không có hóa đơn, chứng từ mang tên công ty, chỉ có chứng từ thanh toán tên nhân viên công ty thì khoản chi phí xét nghiệm COVID-19 cho nhân viên của công ty được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện về hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC.

Thông tin đến chị Trần Thị Quý - Công ty TNHH MTV Sun Frontier về việc xem xét đối với các doanh nghiệp đặc thù để thực hiện các quy định mới về nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, đại diện Cục Thuế thành phố cho biết,  căn cứ Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, đối với thuế TNDN (trừ thuế TNDN từ chuyển nhượng vốn của nhà thầu nước ngoài; thuế TNDN kê khai theo phương pháp tỷ lệ trên doanh thu theo từng lần phát sinh hoặc theo tháng theo quy định, Công ty phải tự xác định số thuế TNDN tạm nộp quý theo nguyên tắc tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm.

Trường hợp Công ty nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

Hiện nay, đang có một số ý kiến đề xuất Chính phủ tạm thời chưa áp dụng cho năm 2021 để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh qua các đợt dịch bệnh COVID-19. Khi Chính phủ ban hành chính sách hướng dẫn vấn đề này, Cục Thuế sẽ thông tin rộng rãi để người nộp thuế được biết và thực hiện.

Đại diện phòng chuyên môn - nghiệp vụ giải đáp, trả lời các câu hỏi của người xem gửi đến chương trình

Giải đáp thắc mắc của chị Đỗ Thị Thanh Hoàng về trường hợp các doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ông Phạm Hữu Trung - Trưởng phòng Tuyên truyền – Hỗ trợ cho biết, căn cứ Nghị định số 92/2021/NĐ-CP và Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15, việc giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 đối với trường hợp doanh nghiệp theo quy định, có doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019. Không áp dụng tiêu chí doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019 đối với trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021.

Về nguyên tắc, điều kiện để các đối tượng là doanh nghiệp, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế bị ảnh hưởng của dịch Covi-19 được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2021 là phải đáp ứng đồng thời hai tiêu chí: doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019 (trừ trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021 thì không phải áp dụng tiêu chí này).

Theo đó, trường hợp Công ty là doanh nghiệp thành lập từ năm 2014, nếu đáp ứng điều kiện về doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 dưới 200 tỷ đồng nhưng không đáp ứng điều kiện tiêu chí doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019 thì không thuộc đối tượng được giảm thuế TNDN theo quy định tại Nghị định số 92/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Đại diện phòng chuyên môn - nghiệp vụ giải đáp, trả lời các câu hỏi 

Ông Võ Văn Đạt - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Hải Châu thông tin, theo Quyết định số 3670/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng, các quận, huyện trên địa bàn thành phố chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021, gồm: Quận Hải Châu, Quận Thanh Khuê, Quận Liên Chiểu, Quận Sơn Trà, Quận Ngũ Hành Sơn, Quận Cẩm Lệ và Huyện Hoà Vang.

Giải đáp kiến nghị của Cổ phần Sông Ba về không áp dụng dụng nguyên tắc tạm nộp thuế TNDN của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm khi Công ty có doanh thu sản xuất chính từ hoạt động thủy điện và doanh thu quý 4 thường chiếm gần 50% doanh thu cả năm dẫn đến số thuế TNDN phát sinh tập trung vào quý 4, do đó số thuế TNDN tạm nộp của 3 quý đầu năm không thể đạt tỷ lệ 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm, Cục Thuế thành phố cho biết, theo quy định, đối với thuế TNDN (trừ thuế TNDN từ chuyển nhượng vốn của nhà thầu nước ngoài; thuế TNDN kê khai theo phương pháp tỷ lệ trên doanh thu theo từng lần phát sinh hoặc theo tháng theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều này), Công ty phải tự xác định số thuế TNDN tạm nộp quý theo nguyên tắc tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp Công ty nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

Đối với kiến nghị không áp dụng nguyên tắc tạm nộp thuế TNDN của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm nêu trên, hiện nay đang có một số ý kiến đề xuất Chính phủ tạm thời chưa áp dụng cho năm 2021 để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh qua các đợt dịch bệnh Covid-19. Khi Chính phủ ban hành chính sách hướng dẫn vấn đề này, Cục Thuế sẽ thông tin rộng rãi để người nộp thuế được biết, thực hiện.

Giải đáp thắc mắc của Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng về việc chi phí lưu trú cho các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam được thuê nhà trong thời gian phòng chống dịch có tính vào thu nhập chịu thuế TNCN hay không, bà Phan Thị Mai Phương- Phó trưởng phòng Quản lý hộ kinh doanh –cá nhân và thu khác cho biết, theo quy định của Thông tư số 92/2015/TT-BTC, tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có), không bao gồm: khoản lợi ích về nhà ở, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng để cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp; nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại đó.

Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao, tiền điện, nước và các dịch vụ khác tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích trụ sở làm việc.

Khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do đơn vị sử dụng lao động trả thay tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả thay nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà, điện nước và dịch vụ kèm theo (nếu có)) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập.”

Như vậy khoản tiền thuê nhà cho người nước ngoài mà đơn vị trả thay là khoản thu nhập chịu thuế TNCN nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà).


Toàn cảnh chương trình đối thoại trực tuyến  “Cục Thuế thành phố đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19”

Trả lời thắc mắc của bạn đọc về trường hợp: Doanh nghiệp được giảm thuế GTGT 30% đối với hàng hóa dịch vụ tháng 11 và 12 và nếu hàng hóa dịch vụ phát sinh trong tháng 12, nhưng đến đầu tháng 01/2022 mới nghiệm thu hoàn thành và xuất hóa đơn trong tháng 01/2022 thì doanh nghiệp có được giảm thuế 30% như quy định hay không. Ông Phạm Đình Sáu- Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Nghiệp vụ - Dự toán – Pháp chế cho biết, theo quy định, Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.

Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).”

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trong tháng 12/2021, đã hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, thì lập hoá đơn tháng 01/2022 không được giảm 30% thuế GTGT.

NGUYÊN THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác