Đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng, tạo sức mạnh phát triển thành phố toàn diện
Đăng ngày 01-12-2020 15:34, Lượt xem: 3972

Sáng 1-12, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Tuyên dương các điển hình tiên tiến trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2020. Phó Bí thư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh tham dự Hội nghị.

Tại thành phố Đà Nẵng, Phong trào được phát động triển khai từ năm 2000. Từ đó đến nay, Phong trào đã trở thành cuộc vận động lớn, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc; nội dung phong phú, tác động toàn diện, lâu dài đến đời sống xã hội trên toàn địa bàn thành phố. Với quan điểm nhất quán về chỉ đạo và đẩy mạnh nâng cao chất lượng, qua 20 năm triển khai thực hiện, Phong trào ngày càng phát triển về số lượng, chất lượng và đi vào chiều sâu. Trong 20 năm qua, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, các nội dung của Phong trào ở một số thời điểm đã có những thay đổi với những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” qua thời gian triển khai đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Cuộc vận động trong thời gian qua đã tiếp tục đi vào chiều sâu, ngày càng mở rộng và nâng cao chất lượng, dấy lên phong trào thi đua sôi nổi trong toàn thành phố. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường đã lồng ghép nhiều phong trào thi đua yêu nước của các ngành, đoàn thể gắn với Chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an” của thành phố, Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị”; Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới…


Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu tại Hội nghị

Cùng với đó, phong trào xây dựng đời sống văn hóa, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở cũng được đẩy mạnh, có những chuyển biến tích cực và trở thành hoạt động xã hội rộng lớn, thiết thực góp phần xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội của mỗi địa phương. Các địa phương đều tập trung triển khai các nhiệm vụ để đầu tư hoàn chỉnh thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong đời sống cộng đồng.

Việc triển khai xây dựng môi trường văn hóa được lồng ghép vào chức năng, nhiệm vụ của các ban, ngành, địa phương đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành vi của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, nổi bật là các hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố; Hội cựu chiến binh các cấp; Hội nông dân các cấp; Ngành Giáo dục và Đào tạo; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố; Công an thành phố.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2021-2025, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền, Ban chỉ đạo Phong trào các cấp sẽ được nâng cao; các hoạt động, phong trào được đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến. Cùng với đó là triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục phát triển Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có hiệu quả, có chiều sâu.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh biểu dương và ghi nhận những cố gắng của các của ngành, hội, đoàn thể; các địa phương, cơ sở và đặc biệt là các cá nhân, tập thể tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong Phong trào trong 20 năm qua.


Trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho 2 tập thể và 2 cá nhân

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh: “Hội nghị tổng kết Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” rất quan trọng, là một dấu ấn văn hóa của giai đoạn 20 năm, có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống xã hội, góp phần khẳng định vai trò và tầm quan trọng của văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực, nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.

Do đó, trong thời gian tới, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong xây dựng con người Đà Nẵng và thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về hành chính, kinh tế, đặc biệt coi trọng giải pháp vận động, giáo dục, thuyết phục nhằm giải quyết những hạn chế của giai đoạn trước, trên cơ sở đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp và sự tự giác của mỗi người dân, góp phần đưa Phong trào phát triển sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng thành phố phát triển toàn diện. 


Trao bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho các tập thể, gia đình, cá nhân vì đã có những thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2020

Dịp này, Ban tổ chức đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho 2 tập thể và 2 cá nhân; Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho 24 tập thể, 6 gia đình và 10 cá nhân vì đã có những thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2020.

Năm 2000, toàn thành phố có 95.306 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt 61,7%; năm 2010, 90,1% hộ đạt Gia đình văn hóa; năm 2019 có 89,6% hộ đạt (207.265 hộ). Như vậy, qua 20 năm triển khai, đến nay, có thêm 127.515 hộ đạt chuẩn danh hiệu Gia đình văn hóa, tăng 27,9% tỷ lệ Gia đình văn hóa so với năm 2001.

Số thôn, tổ dân phố đăng ký và đạt chuẩn Tổ dân phố/ Thôn văn hóa cũng phát triển nhanh. Đến nay, trên địa bàn thành phố có tỷ lệ đăng ký 100%; kết quả, có 2.277/2.896 tổ dân phố, thôn đạt danh hiệu Tổ dân phố/ Thôn văn hóa, đạt tỷ lệ 78,6%; tăng 76,65% so với năm 2000.

Phong trào xây dựng phường, xã đạt chuẩn văn hóa trên địa bàn thành phố từng bước phát triển. Năm 2019, toàn thành phố có 50/56 phường, xã đăng ký xây dựng, đạt 89,2%. Kết quả có 45/56 phường, xã đạt danh hiệu “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, đạt tỷ lệ 80,4%. Thông qua việc xây dựng danh hiệu, các phường xã đã nâng cao đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa trên địa bàn, gắn với việc phát triển kinh tế, phát triển các thiết chế văn hóa ở cơ sở, hạn chế mức thấp nhất các loại tội phạm và tệ nạn xã hội…

Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa cũng được triển khai sâu rộng. Qua 20 năm triển khai, đến năm 2019, toàn thành phố có 682 đơn vị đăng ký xây dựng danh hiệu, trong đó có 651/682 đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 95,5% so với số đăng ký.

THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác