Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản
Đăng ngày 22-04-2024 19:48, Lượt xem: 110

Chiều 22-4, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến với 28 địa phương có biển về quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10-4-2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đồng chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Tham dự tại điểm cầu Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng; Phó Chủ tịch Thường trực, phụ trách HĐND thành phố Trần Phước Sơn.

Lãnh đạo thành phố tham dự tại điểm cầu Đà Nẵng

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trình bày những nội dung chủ yếu của Chỉ thị 32-CT/TW.

Theo đó, Chỉ thị 32-CT/TW nêu rõ, từ năm 2017 đến nay, các cấp, ngành đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước và giảm dần số vụ vi phạm.

Để đẩy mạnh công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, bảo đảm phát triển bền vững ngành thủy sản, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Đó là, xác định công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản. Đồng thời là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Đà Nẵng

Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân ven biển, hải đảo về phát triển bền vững ngành thủy sản, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Kiện toàn, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm cho lực lượng kiểm ngư và các cơ quan chức năng quản lý hoạt động thủy sản. Thực hiện công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, thực thi pháp luật, xử lý triệt để các hành vi vi phạm.

Hội nghị nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trình bày Chương trình hành động của Ban Cán sự đảng Chính phủ về triển khai Chỉ thị 32-CT/TW; các ngành, cơ quan, địa phương tham luận chia sẻ kết quả, kinh nghiệm, giải pháp trong thực hiện công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc gỡ được cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu về việc chưa tuân thủ đầy đủ quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu kết luận Hội nghị

Nếu nhận thức đầy đủ và hành động quyết liệt thì sẽ đạt được mục tiêu Chỉ thị 32-CT/TW đề ra. Đây là trách nhiệm chung của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, các đơn vị, cơ quan, địa phương liên quan và cả các hợp tác xã, đội tàu thuyền đánh cá cũng như chính các ngư dân.

Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, bên cạnh xây dựng chính sách phát triển ngành thủy sản thì các cấp ủy, chính quyền phải tăng cường kiểm soát các hoạt động thủy sản, nhất là việc đánh bắt thủy sản. Có cơ chế xử phạt, khen thưởng hợp lý để tạo đồng thuận trong nhân dân cùng tham gia thực hiện tốt các nội dung quy định đã đề ra. Đồng thời, chú trọng chăm lo đời sống động viên bà con ngư dân vươn khơi bám biển, khai thác thủy sản đúng quy định của pháp luật. Có như vậy, ngành thủy sản mới phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, đồng thời nâng cao vị thế, uy tín của chúng ta trên trường quốc tế.

Tại Đà Nẵng, trong quý 1-2024, thành phố đã tập trung triển khai công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn thành phố; ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá; làm việc với đoàn kiểm tra, hướng dẫn và xử lý các vướng mắc trong triển khai thực hiện các quy định về chống khai thác IUU của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Văn phòng đại diện Kiểm soát nghề cá đã tiếp nhận thông tin 1.278 lượt tàu cập cảng cá Thọ Quang và kiểm tra, giám sát, trong đó lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 1 tàu khai thác sai vùng và chuyển Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định xử phạt với số tiền là 25 triệu đồng.

MAI QUANG

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác