Phát triển y tế thông minh nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Đăng ngày 15-04-2024 17:29, Lượt xem: 156

UBND thành phố phê duyệt Quyết định số 768/QĐ-UBND ngày 10-4-2024 ban hành Đề án “Phát triển y tế thông minh tại thành phố Đà Nẵng”, trong đó có mục tiêu, đến năm 2025, 100% các cơ sở y tế của thành phố áp dụng mô hình khám chữa bệnh từ xa chuyên sâu với nhiều chuyên khoa; đến năm 2030, phấn đấu 100% bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy.

Đề án nhằm xây dựng và từng bước hình thành hệ thống phòng bệnh thông minh; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ liên tục, suốt đời, góp phần xây dựng thành phố thông minh theo mục tiêu của thành phố Đà Nẵng.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, góp phần cải cách hành chính và giảm quá tải bệnh viện; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử, hình thành các bệnh viện thông minh.

Đồng thời, tăng cuờng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý y tế, triển khai hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử về thủ tục hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, xây dựng nền quản trị y tế thông minh.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, triển khai Đề án Y tế thông minh thành phố Đà Nẵng và hình thành hệ thống Y tế thông minh trên cả ba trụ cột chính bao gồm: Hệ thống phòng bệnh thông minh; Hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh và Hệ thống Quản trị y tế thông minh, với tiêu chí 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đồng bộ mã định danh y tế (ID), sử dụng mã định danh cá nhân từ cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để xây dựng ID y tế trong các phần mềm quản lý liên quan đến công dân; 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai ứng dụng khai thác hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám bệnh, chữa bệnh.

Hoàn thành ứng dụng để người dân giám sát hành trình xe cứu thương trên thiết bị thông minh, được bác sĩ theo dõi, tư vấn khi được vận chuyển trên xe cứu thương; 100% các đơn vị sự nghiệp, cơ sở khám, chữa bệnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giao tiếp với người dân và áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt qua nền tảng thanh toán chung của thành phố; 100% các trạm y tế xã, phường được tin học hóa theo hướng dẫn tại Quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12-8-2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định về xây dựng và triển khai Hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Kế hoạch cũng đặt mục tiêu các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng bệnh được thực hiện thông qua các ứng dụng thông minh; 100% các trạm y tế xã, phường có khả năng tiếp nhận, khám chữa bệnh cho người dân địa phương với sự hỗ trợ tư vấn từ xa của chuyên gia y tế tuyến trên bằng công nghệ hội nghị truyền hình trực tuyến; 100% các cơ sở y tế của thành phố áp dụng mô hình khám chữa bệnh từ xa chuyên sâu với nhiều chuyên khoa.

Hoàn thành trục liên thông dữ liệu y tế toàn thành phố sẵn sàng kết nối với trục liên thông dữ liệu y tế quốc gia íheo chủ trương của Bộ Y tế. Hoàn thành phân hệ điều hành Y tế thông minh (miniIOC) nằm trong Trung tâm Giám sát điều hành thông minh của thành phố Đà Nẵng; 100% thủ tục hành chính của Sở Y tế được triển khai thành dịch vụ công trực tuyến toàn trình. 100% các bệnh viện hạng I, 50% bệnh viện hạng II đạt tối thiểu mức 6 theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế trước năm 2025; 100% các bệnh viện và trung tâm y tế còn lại đạt tối thiểu mức 4 theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT.

Đến năm 2030, tiếp tục hoàn thiện Đề án Y tế thông minh thành phố Đà Nẵng với tiêu chí ứng dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại, sử dụng robot trí tuệ nhân tạo trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và đào tạo y khoa; 100% bệnh viện, trung tâm y tế đạt tiêu chuẩn bệnh viện thông minh theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ trưởng Bộ y tế; 100% các bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy; 100% các bệnh viện, trung tâm y tế hoàn thành triển khai việc thay phim bằng việc luân chuyển các ảnh chụp qua môi trường mạng để bảo đảm thông tin được chuyển tải đầy đủ và tiết kiệm chi phí in ấn.

Đồng thời, phấn đấu duy trì 100% các trạm y tế xã, phường triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế; 100% trạm y tế xã, phường thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm trên nền tảng số. Phát triển các ứng dụng thông minh cho phép cung cấp các dịch vụ theo dõi, trợ giúp, chăm sóc sức khỏe người dân từ xa, kết nối trực tuyến giữa người bệnh, các thiết bị theo dõi sức khỏe và cán bộ y tế tại trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình.

Đề án được thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn thu của các đơn vị, với tổng kinh phí 488, 95 tỷ đồng. Khi Đề án hoàn thành sẽ giúp công tác quản lý điểu hành các hoạt động ngành y tế được tốt hơn, cải tiến công tác quản lý cũng như phong cách làm việc của cán bộ, nhân viên ngành y tế, nâng cao hiệu quả của công tác phòng bệnh, chẩn đoán và điều trị, giáo dục và đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học trong ngành y tế.

UBND thành phố giao Sở Y tế chủ trì xây dựng, trình ban hành kế hoạch triển khai chi tiết Đề án hàng năm; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Đề án. Tổ chức triển khai, ứng dụng và khai thác hiệu quả, an toàn các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu được đầu tư. Đảm bảo tính liên thông kết nối và chia sẻ dữ liệu với Hệ thống Chính quyền điện tử của thành phố, với hệ thông quản lý của Bộ Y tế qua trục LGSP.

Sở Y tế có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt; triển khai đề án “khám, chữa bệnh từ xa” và các nhiệm vụ trọng tâm khác theo đúng kể hoạch. Chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ của Đề án và phối hợp với các sở, ngành tìm phương án giải quyết, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định đối với các vấn đề vượt thẩm quyền. Đề xuất các cơ chế chính sách cần thiết thúc đẩy Đề án.

UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế trong công tác để đảm bảo tuân thủ quy định về Quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn thông tin dữ liệu và an ninh mạng; thực hiện kết nối và chia sẻ dữ liệu số với các cơ quan, tổ chức trong phạm vi đề án; cung cấp dữ liệu mở của Y tế thành phố cho các tổ chức, người dân có nhu cầu.

Bên cạnh đó, đảm bảo hạ tầng đường truyền, nhân lực vận hành an toàn Trung tâm dữ liệu thành phố. Đảm bảo các hệ thống thông tin ngành y tế cài đặt tại Trung tâm dữ liệu thảnh phố được bảo mật, an toàn. Chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của ứng dụng Công nghệ thông tin Y tế thông minh.

Sở Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ tham mưu sử dụng các nguồn lực tài chính trong nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ để kết nối, phối hợp với các doanh nghiệp có quy mô, chuyên sâu về công nghệ thông tin trên địa bàn để nghiên cứu, ứng dụng các sáng kiến, giải pháp về trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong y tế. UBND các quận, huyện xây dựng Kế hoạch chi tiết để triển khai tại các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý.

UBND thành phố đề nghị Bảo hiểm xã hội thành phố phối hợp với Sở Y tế đảm bảo liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế và dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh, chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các hệ thống của thành phố.

Đồng thời, đề nghị các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế thành phố Đà Nẵng chủ động, ưu tiên bố trí nguồn nhân lực và cân đối tài chính theo khả năng để triển khai xây dựng Bệnh viện thông minh và bệnh án điện tử; chủ động đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT để xác định mức ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị và xác định các hạng mục ưu tiên đầu tư để đáp ứng điều kiện sớm tiên phong triển khai bệnh án điện tử tại thành phố Đà Nẵng.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác