Hoàn thiện mô hình sống độc lập cho trẻ khuyết tật trí tuệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng            
Đăng ngày 23-03-2018 07:52, Lượt xem: 565

Hiện nay, Đà Nẵng chỉ có 2 trường chuyên biệt công lập, nhu cầu được học chuyên biệt của trẻ rất cao, khả năng cung ứng của nhà trường lại hạn chế. Trong khi đó, trẻ lớn tuổi, vì chưa biết phải đưa trẻ đi đâu sau khi hoàn thành chương trình học, đa số phụ huynh xin được cho con học thêm thời gian nữa. Đây cũng là bài toán khó mà các trường chuyên biệt của thành phố đang gặp phải.

Xuất phát từ thực trạng trên, Trung tâm Cung cấp Dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng (CTXH) chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Giải pháp xây dựng mô hình sống độc lập cho trẻ khuyết tật trí tuệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” và tổ chức lấy ý kiến các ngành, địa phương và tổ chức xã hội vào ngày 20-3 vừa qua. Tại hội thảo các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện mô hình sống độc lập cho trẻ khuyết tật trí tuệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Giải pháp căn cơ cho bài toán khó

Theo số liệu khảo sát có đến 65% gia đình mong muốn được tham gia mô hình, mặc dù mẫu chọn ngẫu nhiên trong 215 gia đình có trẻ khuyết tật trí tuệ được khảo sát có đến 53% trẻ nhỏ dưới 11 tuổi. Đa số các em sau khi học hoà nhập hoặc chuyên biệt, khi trở về gia đình đang đứng trước nguy cơ rất cao là thiếu môi trường bảo vệ an toàn khi bố mẹ phải đi làm, trẻ có thể bị “nhốt” trong nhà, hoặc đi thang lang dẫn đến dễ bị xâm hại, bạo hành.  

Mặt khác, qua khảo sát các cơ sở trợ giúp xã hội hiện nay, đặc biệt là cơ sở đang chăm sóc nuôi dưỡng tập trung trẻ em mồ côi, có xu thế ngày càng thu hẹp bởi đầu vào hạn chế, nhiều cơ sở đã phải nhận trẻ vẫn còn bố mẹ nhưng điều kiện sống khó khăn hoặc phó thác trách nhiệm hoặc môi trường chăm sóc không an toàn. Việc bổ sung hoặc chuyển đổi loại hình từ chăm sóc nuôi dưỡng sang hình thức chăm sóc ban ngày cho trẻ khuyết tật thông qua mô hình sống độc lập là giải pháp chiến lược bền vững, đáp ứng nhu cầu của đại đa số các gia đình có trẻ khuyết tật hiện nay.

Chia sẻ với những trải nghiệm của hoạ sĩ Dư Dư khi làm việc với trẻ khuyết tật trí tuệ và đồng hành với CLB Sống Độc Lập Hoa Xương Rồng, bà Đỗ Thị Đỗ Quyên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật cho rằng việc phát triển các CLB Sống độc lập cho trẻ khuyết tật trí tuệ lớn tuổi sẽ giúp cho trẻ được chuyển tiếp đến một hình thức chăm sóc khác, trên cơ sở trao quyền và tăng cường sự tham gia của gia đình.

Còn chị Nguyễn Thị Anh phụ huynh có trẻ lớn tuổi đang tham gia CLB Sống độc lập Hoa Xương Rồng của Trung tâm CTXH Đà Nẵng tổ chức định kỳ vào ngày thứ 7 hàng tuần, cũng mong muốn Trung tâm tổ chức thường xuyên hơn, ít nhất 5 ngày trên tuần để con chị được có cơ hội hoà nhập, cũng như chị mong muốn phát triển mô hình để tạo thêm cơ hội cho những trẻ khuyết tật khác trên địa bàn thành phố. 

Liên kết thành mạng lưới dịch vụ    

Hiện nay, dạy nghề, hướng nghiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ khuyết tật đang được các trường chuyên biệt, các cơ sở trợ giúp trẻ em khuyết tật thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện một trong 3 chức năng trên cũng rất tốt. Song theo ông Lê Tấn Hồng – Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề Hội chữ thập đỏ thành phố, để có thể cung cấp một dịch vụ tổng hợp của mô hình sống độc lập thì các cơ sở chưa đủ năng lực. “Chúng tôi rất cần đến vai trò điều phối, kết nối và huy động nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cũng như sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Trung tâm CTXH”, ông Lê Tấn Hồng bày tỏ. 

Đồng tình quan điểm này, cô Phạm Thị Nụ ở Cơ sở Giáo dục hoà nhập Ước mơ xanh đề xuất việc các tổ chức này cần phải liên kết lại chặt chẽ với nhau. Riêng trong hệ thống giáo dục cũng cần một đơn vị đầu mối để chủ động phối hợp với Trung tâm CTXH.

Việc hình thành mạng lưới, thành lập ra Ban điều phối đưa ra quy chế vận hành cụ thể, hệ thống sẽ đảm bảo cho mạng lưới hoạt động hiệu quả, đặc biệt là hiệu ứng trong công tác tuyên truyền quảng bá cho thương hiệu của các sản phẩm handmade do các em khuyết tật thành phố thực hiện. Trung tâm CTXH sẽ là nơi trưng bày các sản phẩm chung, kết nối với các công ty du lịch, resort để trưng bày và bán sản phẩm cho du khách quốc tế. Cũng như cùng các chuyên gia nghiên cứu thực hiện các sản phẩm mang tính đặc trưng, quảng bá hình ảnh của Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chung nhận định, dịch vụ sống độc lập cho trẻ khuyết tật cũng thuộc danh mục các dịch vụ sự nghiệp công được Nhà nước đảm bảo để cung cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội như trẻ khuyết tật là việc làm cần quan tâm, lồng ghép trong các giải pháp khi xây dựng Đề án trình thành phố về việc thực hiện mô hình sống độc lập cho trẻ khuyết tật trí tuệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.  Đây sẽ là một hành lang pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các doanh nghiệp xã hội, khuyến khích các sinh viên khởi nghiệp với những tiểu dự án cung cấp dịch vụ sống độc lập cho trẻ khuyết tật trí tuệ này.

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất cần sớm hoàn thiện mô hình sống độc lập cho trẻ khuyến tật, và hình thành mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ sống độc lập cho trẻ khuyết tật trí tuệ, cùng các vệ tinh là các doanh nghiệp xã hội để phục vụ cho nhu cầu của các gia đình có trẻ khuyết tật trí tuệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời, góp phần đảm bảo an sinh cho xã hội và hiện thực hoá quyền của người khuyết tật theo Công ước Quốc tế đã đề ra.

QUANG VINH

    
    

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác