Thực trạng, định hướng và giải pháp thúc đẩy ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố
Đăng ngày 15-12-2017 10:48, Lượt xem: 4881

Sáng 15/12, UBND thành phố Đà Nẵng và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tổ chức hội thảo thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao thành phố Đà Nẵng, Cổng TTĐT thành phố xin giới thiệu bài tham luận của Sở Khoa học và Công nghệ trình bày tại Hội thảo.

Thành phố Đà Nẵng với đặc thù diện tích đất nông nghiệp hạn chế, địa hình khá đa dạng, có cả vùng đồng bằng, trung du và miền núi. Diện tích sản xuất ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Do vậy việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp càng trở nên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết để tăng năng xuất, chất lượng, sản lượng nông sản, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp hướng tới phát triển nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vừa để phục vụ nhu cầu thiết yếu về nông sản thực phẩm của đô thị vừa phục vụ phát triển du lịch.

Trước yêu cầu đặt ra trong thực tiễn và theo định hướng chỉ đạo của thành phố theo Chương trình hành động số 25-Ctr/TU ngày 22/02/2013 của Thành ủy Đà Nẵng về phát triển khoa học và công nghệ; Chương trình Mục tiêu quốc gia về Nông thôn mới và Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 30/12/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển huyện Hòa Vang; Nghị quyết số 104/2017/NQ-HĐND quy định chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố và Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong thời gian qua, ngành khoa học công nghệ đã phối hợp với các tổ chức khoa học và công nghệ, các địa phương và các ngành triển khai nhiều hoạt động ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Một số kết quả tiêu biểu của việc ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp

Từ năm 2010 đến nay, có tổng cộng 40 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, trong đó có 6 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, 17 đề tài cấp thành phố và 17 đề tài cấp cơ sở với trên 50 quy trình công nghệ được chuyển giao vào sản xuất nông nghiệp. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã tập trung vào việc ứng dụng và chuyển giao các công nghệ sản xuất giống, sản xuất thương phẩm các loại cây trồng, vật nuôi; chuyển giao các quy trình kỹ thuật canh tác, chăn nuôi tiên tiến; chuyển giao các kỹ thuật xử lý sâu bệnh hại; các kỹ thuật phòng trị bệnh, xây dựng chuồng trại trong chăn nuôi, kỹ thuật tưới tiết kiệm, xử lý môi trường trong chăn nuôi và các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi … Đồng thời, thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, các giống cây trồng, vật nuôi mới đã được du nhập về địa phương, góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, nâng cao trình độ sản xuất và thay đổi tập quán sản xuất của người dân.

a) Trong lĩnh vực trồng trọt

Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tập trung vào nghiên cứu tuyển chọn giống và chuyển giao các quy trình sản xuất, trong đó đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất các giống cây trồng, đặc biệt là các giống hoa sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật giúp người dân địa phương chủ động được nguồn giống sản xuất, tiết kiệm chi phí vận chuyển và hạn chế rủi ro về giống. Tiêu biểu như các giống hoa lan Hồ điệp, lan Dendro, lan Mokara, các loại hoa cúc 4 số 9, cúc Kim cương, Đại đóa, cúc lá nhám, hoa Lily, hoa Cát tường, hoa Đồng Tiền, các loại hoa thảm như cúc Nhật, cúc Mặt trời, Ngọc thảo, Tô liên, hoa Chuông kép, Thái diệp thảo… Bên cạnh đó, các loại giống nấm ăn và nấm dược liệu đã được nghiên cứu và chủ động sản xuất giống cung cấp cho thị trường...  Ngoài ra, Sở cũng đã hỗ trợ thực hiện các mô hình sản xuất sạch trên cây lúa, sản xuất thử nghiệm giống ngô lai chịu hạn LVN 5885, ứng dụng phân bón hữu cơ vi sinh trong trồng trọt…

Các mô hình sản xuất tiên tiến như mô hình sản xuất giống và thương phẩm hoa Lan Hồ điệp trong nhà lưới công nghệ cao quy mô công nghiệp; mô hình sản xuất hàng hóa nấm ăn và nấm dược liệu từ sản xuất giống đến sản xuất nấm thương phẩm, chế biến và bảo quản; mô hình trồng hoa lan Dendro, Mokara cắt cành; mô hình trồng hoa Lily, trồng hoa Cúc các loại, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màn… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng đang tập trung hỗ trợ các dự án trồng cây dược liệu, trồng bưởi da xanh và trồng rau ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Hòa Vang, lấy doanh nghiệp làm hạt nhân để triển khai các dự án khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, làm tiền đề để phát triển các vùng sản xuất hàng hóa và phát triển nông nghiệp hiện đại. Sở Khoa học và công nghệ đã phối hợp với các đơn vị chủ trì xây dựng các dự án và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án trồng dược liệu Nghệ vàng và Đinh lăng, trồng bưởi da xanh và trồng rau hữu cơ. Bên cạnh đó các đối tượng cây dược liệu khác như Trinh nữ hoàng cung, Kim tiền thảo cũng đang được nghiên cứu triển khai trồng thử nghiệm. Các dự án này đang được triển khai thực hiện và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và người dân.

b) Chăn nuôi và thú y

 Các nghiên cứu đã giới thiệu thêm các đối tượng vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao và quy trình chăn nuôi sử dụng các kỹ thuật tiên tiến được áp dụng cho người dân địa phương như bò lai Sind, dê Beetal, dê Jumnapary, thỏ New Zealand, thỏ California, nhím, các giống gà đồi, gà Đông Tảo, gà Ai Cập đẻ trứng, chim trĩ… Đồng thời, triển khai các mô hình chăn nuôi thâm canh như mô hình nuôi thỏ, mô hình nuôi dê, mô hình chăn nuôi bò lai Sind, mô hình nuôi gà đồi kiểu mẫu, mô hình nuôi gà Đông Tảo, nuôi nhím… vàchuyển giao các quy trình công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh… Qua đó, góp phần cải thiện giống vật nuôi tại địa phương và tăng thu nhập cho người dân. Các mô hình này được chính quyền địa phương và người dân đánh giá cao về hiệu quả kinh tế.

c) Trong lĩnh vực thủy sản

Các nghiên cứu tập trung vào điều tra nguồn lợi thủy hải sản; nghiên cứu rạn san hô và các hệ sinh thái liên quan vùng biển ven bờ để cung cấp cơ sở khoa học phục vụ công tác quản lý; ứng dụng khoa học kỹ thuật lắp đặt mạng điện mặt trời cục bộ hỗ trợ đánh bắt, lắp đặt hệ thống lạnh trên tàu cá để nâng cao hiệu quả bảo quản hải sản. Triển khai các mô hình  nuôi cá nước ngọt tại các địa phương.

d) Các lĩnh vực khác

Bên cạnh các nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nêu trên, còn thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm mục đích cải thiện điều kiện sản xuất và đời sống, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường nông thôn như triển khai các hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời và hệ thống điện năng lượng mặt trời cho bệnh viện huyện Hòa Vang, Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh, các trung tâm y tế, trường mầm non thuộc 11 xã thuộc huyện Hòa  Vang; các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn như mô hình quản lý chất thải khép kín ở thôn Phú Sơn 1, mô hình đệm lót sinh học, mô hình biogas, mô hình xử lý nước thải sinh hoạt, mô hình công nghệ điện hoạt hóa để xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh thú y trong chăn nuôi ở Hòa Vang...

Ngoài ra, thành phố đã và đang triển khai đề tài “Điều tra, đánh giá đất làm cơ sở cho việc quy hoạch và chuyển dịch cây trồng phù hợp ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng” để điều tra đánh giá đất đai trên toàn huyện Hòa Vang làm cơ sở khoa học cho huyện xây dựng chiến lược khai thác tối ưu tài nguyên đất đai phục vụ quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và hình thành các vùng sản xuất tập trung cũng như bố trí cây trồng hợp lý.

- Đối với công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai, các nghiên cứu được triển khai thực hiện trên cơ sở đề xuất đặt hàng của ngành nông nghiệp giúp đánh giá thực trạng và cung cấp cơ sở khoa học để đề xuất và ứng dụng các biện pháp nhằm quản lý nguồn tài nguyên nước như quản lý tài nguyên nước mặt hệ thống sông Cu Đê, sông Túy Loan; nghiên cứu sử dụng tổng hợp nguồn nước các hồ đập phục vụ chiến lược phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng và phục vụ sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu ứng dụng công nghệ khai thác nước ở các sông suối nhỏ phục vụ cấp nước sinh hoạt và nước tưới cho các loại cây ăn quả sườn đồi huyện Hòa Vang; nghiên cứu công cụ cảnh báo sớm thiên tai, nghiên cứu các giải pháp phòng, hạn chế xâm nhập mặn…

- Bên cạnh đó, còn có các kết quả nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học để xây dựng cơ chế chính sách phục vụ ngành nông nghiệp như xây dựng chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; chính sách phát triển liên kết kinh tế giữa nông dân với các chủ thể khác, chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Đây là các cơ sở khoa học để địa phương xây dựng cũng như đề xuất các chính sách có liên quan đến phát triển nông nghiệp nông thôn.

e) Việc chuyển giao công nghệ và nhân rộng các mô hình

Các quy trình kỹ thuật được chuyển giao, phổ biến cho cán bộ kỹ thuật, cán bộ địa phương và người dân theo nhiều hình thức khác nhau như tổ chức các lớp tập huấn theo hình thức “cầm tay chỉ việc” để cán bộ và người dân có thể triển khai được trong thực tiễn sản xuất. Bên cạnh đó, các quy trình công nghệ được biên soạn thành các tài liệu tập huấn, các chuyên đề nông nghiệp, tờ rơi và được phát tận tay người dân để áp dụng vào sản xuất. Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng cũng đã phối hợp với Đài DRT, Báo Đà Nẵng thực hiện các chuyên mục về nông nghiệp để phổ biến các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ hiệu quả, các quy trình kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân thành phố. Kết quả các mô hình về trồng hoa (như Cúc, Lily, hoa Lan cắt cành, hoa Đồng tiền…), mô hình trồng nấm sò, nấm Linh chi  được người dân tiếp nhận và nhân rộng trên địa bàn và đến nay đã trở thành các đối tượng phổ biến. Các mô hình chăn nuôi như nuôi gà Đông Tảo, nuôi gà đồi, nuôi dê, thỏ… cũng được người dân phát triển mạnh mẽ. Các đối tượng khác như dược liệu (Nghệ vàng và Đinh lăng) cũng bắt đầu được phát triển trên 10ha ở Hòa Vang và Công ty Dược Danapha đã thành lập Công ty cổ phần phát triển Dược liệu công nghệ cao Daplantex chuyên về phát triển dược liệu để đẩy mạnh trồng dược liệu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, đối tượng bưởi da xanh cũng đang được phát triển trên 10 ha ở Hòa Ninh. Ngoài ra, hiện nay,  Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng vẫn đang duy trì và phát triển các mô hình sản xuất hoa, rau, dưa lưới trong nhà lưới, nhà màn và sản xuất giống nấm cũng như nấm thương phẩm ở khu liên hợp trồng nấm tại quận Cẩm lệ, thành phố Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, UBND huyện Hòa Vang cũng đã hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai hai mô hình sản xuất rau, củ, quả trong nhà kính tại Hòa Ninh và Hòa Phú; đạt hiệu quả cao và thành lập HTX Rau hoa củ quả Hòa Vang để điều hành hoạt động sản xuất, tiêu thụ rau. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các cơ sở sản xuất nấm và hoa trên địa bàn huyện tiếp tục nhân rộng và phát triển sản xuất.

Các vấn đề khó khăn, hạn chế bất cập hiện nay trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Mặc dù việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đã đạt được một số tích cực nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế, khó khăn vướng mắc. Cụ thể như sau:

- Về trình độ sản xuất: Việc ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi người nông dân phải có kiến thức sản xuất và trình độ nhất định. Trong khi đó với đặc điểm vùng nông thôn ở Đà Nẵng khá gần với khu đô thị nên hầu hết thanh niên, lao động trẻ có trình độ văn hóa nhất định dễ tiếp thu các tiến bộ khoa học và công nghệ thì thường ra thành phố làm việc, còn lại lao động nông thôn chủ yếu là người già và phụ nữ lớn tuổi. Chính vì vậy, việc tiếp thu các kiến thức, quy trình công nghệ mới còn hạn chế.

 Về vốn đầu tư: Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và thời tiết, mang nhiều yếu tố rủi ro. Đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn và kéo dài trong khi điều kiện khí hậu thời tiết, đất đai ở Đà Nẵng chưa thực sự thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Điều này dẫn đến tâm lý e ngại đầu tư sợ rủi ro. Mặt khác, chi phí đầu tư cho sản xuất lớn dẫn đến giá thành sản phẩm cao, gây khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, số lượng nông dân và nhà đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều.

- Vấn đề đất đai: Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 104/2017/NQ –HĐND ngày 7/7/2017 quy định về chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có chính sách hỗ trợ về đất đai. Mặt khác, UBND thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 1936/QĐ-UBND ngày 13/4/2017 phê duyệt địa điểm quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Việc này tạo nhiều điều kiện thuận cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, thực tế cho thấy doanh nghiệp vẫn thể hiện sự lúng túng khi tiếp cận chính sách này cũng như là chọn địa điểm để đầu tư sản xuất nông nghiệp lâu dài.

Vấn đề về ứng dụng khoa học và công nghệ: Việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chỉ chủ yếu tập trung vào ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào giống cây trồng, vật nuôi và chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi. Việc ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, vật liệu mới… vào sản xuất còn hạn chế. Các mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao còn ít và chưa được phát triển mạnh mẽ, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của các cơ quan đơn vị trên địa bàn thành phố còn hạn chế, có nhiều trường hợp phải nhờ đến các cơ quan chuyển giao công nghệ ở trung ương như Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Nông hóa thổ nhưỡng… Về nhân lực và cơ sở vật chất của các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của thành phố (ví dụ như Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Khuyến Ngư Nông Lâm…) còn chưa đảm bảo.

  Vấn đề về thúc đẩy kết nối sản xuất với thị trường tiêu thụ: Việc cạnh tranh giữa các sản phẩm sạch, an toàn với các sản phẩm thông thường rất khó khăn. Vì việc sản xuất nông sản thực phẩm sạch, áp dụng các kỹ thuật cao thường  có chi phí đầu tư ban đầu lớn hơn việc sản xuất thông thường nên giá thành sản phẩm sẽ cao hơn trong khi đa số người tiêu dùng vẫn chưa chấp nhận. Bên cạnh đó, chưa có kênh phân phối cũng như các dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết, tiếp cận dễ dàng.

3. Định hướng và giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố

a) Định hướng ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

- Đối với lĩnh vực trồng trọt:

 + Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống cây trồng để nhân nhanh và tạo giống cây sạch bệnh (công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật, công nghệ gen, sinh học phân tử…).

+ Ứng dụng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với điều kiện khí hậu, thời tiết, sâu bệnh trong sản xuất nông nghiệp, tập trung vào các loại rau ăn lá, rau ăn quả, hoa, lúa giống, nấm ăn và nấm dược liệu, cây ăn quả, cây dược liệu...

+ Ứng dụng công nghệ sinh học trong kiểm tra, giám định bệnh hại cây trồng. ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp (cải tạo đất, phân bón, xử lý sâu bệnh hại) và xử lý môi trường (vi sinh, tảo, thực vật, nấm…)

+ Ứng dụng các kỹ thuật canh tác mới trong sản xuất nông nghiệp như thủy canh, màng dinh dưỡng, khí canh, trồng cây trên các loại giá thể mới…

+ Ứng dụng các công nghệ mới trong tưới tiêu: tưới nhỏ giọt, tưới phun sương tiết kiệm nước và nhân công, tưới tự động, tưới thẩm thấu…

+ Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất, từng bước cơ giới hóa các khâu trong sản xuất như hệ thống sản xuất giống tự động hoặc bán tự động. Ứng dụng hệ thống nhà màng, nhà kính, nhà lưới hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động

+ Ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến như điều chỉnh thành phần không khí O2, N2, CO2…; khử trùng bằng hệ thống ozone, sử dụng enzyme, mạng thông minh và công nghệ chế biến hiện đại như sấy chân không với công nghệ chiếu xạ, sấy lạnh, sấy nhanh …

+ Ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến, quản lý lưu trữ dữ liệu truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa …

- Đối với chăn nuôi

+ Ứng dụng rộng rãi các hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi như biogas, đệm lót sinh học, các chế phẩm sinh học, dung dịch điện hoạt hóa trong xử lý môi trường trong chăn nuôi…

+ Ứng dụng công nghệ phát triển chăn nuôi tập trung, chuồng trại khép kín và tự động hóa trong chăn nuôi cũng như giết mổ gia súc, gia cầm…

+ Ứng dụng các giống mới và các quy trình kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tại địa phương tập trung vào các đối tượng như bò, lợn, dê, gà thỏ, cá nước ngọt …

- Ươm tạo và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Thực hiện các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, ươm tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp, thử nghiệm, trình diễn các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

b) Giải pháp

-  Cơ chế chính sách: Thành phố đã có chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được ban hành tại Nghị quyết số 104/2017/NQ-HĐND ngày 7/7/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố và UBND thành phố đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Để các chính sách trên đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả, thành phố cần tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu được các chính sách hỗ trợ của thành phố cũng như các trình tự thủ tục kèm theo.

- Đối với việc chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, cần tiếp tục đẩy mạnh ưu tiên đầu tư thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp của thành phố. Đẩy mạnh công tác phổ biến, chuyển giao và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế, đặc biệt là ứng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

- Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp: Triển khai các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lấy doanh nghiệp làm hạt nhân để hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ từ sản xuất đến tiêu thụ thông qua các chính sách hỗ trợ của thành phố tại Nghị quyết số 104 của Hội đồng nhân dân. Bên cạnh đó Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ thông qua việc tiếp cận các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia liên quan đến nông nghiệp nông thôn và ứng dụng công nghệ cao như Chương trình Nông thôn miền núi, Chương trình Nông thôn mới; hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của thành phố để triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ, ưu tiên cho công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, thực hiện các cơ chế chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện các chính sách khen thưởng trong hoạt động khoa học và công nghệ. Tập trung đầu tư nâng cao năng lực cho Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng trở thành Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao mạnh trong lĩnh vực công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, tạo tiền đề để mở rộng nâng cấp thành Trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, y dược khu vực nam trung bộ.

 Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ: Chủ động tham gia các chương trình nghiên cứu quốc gia như Chương trình Nông thôn miền núi, Chương trình Công nghệ cao…

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT