Chọn những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc để xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội
Đăng ngày 09-08-2017 22:51, Lượt xem: 1122

Ngày 9-8, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết Liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN về Quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và Thông tư số 63/2017/TT-BTC về Quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Đăng Hải chủ trì Hội nghị.

Theo Nghị quyết Liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp lựa chọn những vấn đề mà nhân dân quan tâm, bức xúc và xác định các hình thức giám sát, phản biện xã hội phù hợp để xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội. Nội dung giám sát, phản biện xã hội có liên quan đến quyền và trách nhiệm của các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam mời đại diện lãnh đạo các tổ chức này tham gia xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội.

Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam được xây dựng và ban hành cho năm sau trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh được xây dựng và ban hành cho năm sau trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cùng cấp; kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã được xây dựng và ban hành cho năm sau trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Hội đồng nhân dân và UBND cùng cấp về nội dung, lĩnh vực, địa bàn và thời gian thực hiện. Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội phải xác định nội dung, hình thức, thời gian, chủ thể tiến hành, đối tượng được giám sát, phản biện xã hội. Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội có thể được điều chỉnh, bổ sung về nội dung, lĩnh vực, địa bàn và thời gian thực hiện phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế hoặc khi có vấn đề phát sinh đột xuất và trên cơ sở trao đổi, thống nhất với các bên.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Đăng Hải cho biết, Nghị quyết Liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 15-6. Đây là văn bản pháp luật góp phần tiếp tục cụ thể hóa về cơ chế đối với hình thức giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội. Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Đăng Hải đề nghị các cấp, các địa phương cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và triển khai có hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội, để hoạt động này thực sự trở thành một kênh quan trọng trong tham gia xây dựng Nhà nước, phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, sáng tạo của nhân dân.

Hội nghị cũng quán triệt, phổ biến Thông tư số 63/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8. Theo Thông tư này, mức kinh phí phân bổ cho Ban Thanh tra nhân dân cấp xã tối thiểu là 5 triệu đồng/năm. Đối với Ban Thanh tra nhân dân thuộc các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, mức kinh phí sẽ do Thủ trưởng đơn vị quyết định. Đối với Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thì kinh phí hoạt động do thủ trưởng cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập quyết định. Nguồn kinh phí này được bố trí trong phạm vi dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao hàng năm, nguồn thu của đơn vị và số thu được để lại. Trường hợp Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước, mức kinh phí sẽ do tổng giám đốc, giám đốc doanh nghiệp bố trí theo khả năng tài chính và được hạch toán vào các khoản chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Mức chi bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân gồm: chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị; chi công tác phí; chi mua sắm văn phòng phẩm, cước điện thoại... Đối với một số mức chi khác như chi bồi dưỡng báo cáo viên trong hội họp, chi thù lao trách nhiệm cho các thành viên Ban Thanh tra nhân dân trực tiếp thực hiện công tác thanh tra theo kế hoạch công tác được duyệt hoặc trong hoạt động phối hợp với tổ chức thanh tra Nhà nước khi thanh tra tại địa phương, đơn vị thì mức chi là 100.000 đồng/người/ngày.

CÔNG TÂM

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác