Đà Nẵng với công tác chăm lo người có công cách mạng, đối tượng chính sách
Đăng ngày 23-06-2017 16:42, Lượt xem: 3139

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có trên 100 ngàn đối tượng và gần 22.000 lượt đối tượng đang hưởng trợ cấp thường xuyên. Công tác chăm lo người có công cách mạng và đối tượng chính sách được thành phố thực hiện chu đáo. Cùng với chính quyền thành phố, các đơn vị, cá nhân đã chung tay thực hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” từ bao đời nay của dân tộc ta, đến nay đã có hơn 144 tỷ đồng được các cơ quan, đơn vị, cá nhân đóng góp cho phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, hơn 520 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cùng với gần 1000 lô đất, nhà chung cư được bố trí cho các gia đình chính sách... 

Chung tay chăm lo người có công, đối tượng chính sách

Trong 20 năm qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xác nhận, tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho 2.303 liệt sĩ, xác nhận, giải quyết chế độ trợ cấp 1.827 thương binh, đề nghị Nhà nước phong và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) cho 1.967 Mẹ, tặng thưởng Huân chương Độc lập các hạng cho 895 gia đình có nhiều liệt sĩ, giải quyết trợ cấp một lần cho gần 42 ngàn lượt đối tượng... đến nay ngành đã cơ bản hoàn thành công tác giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng trên địa bàn thành phố. 

   

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các hội đoàn thể và sự đồng tình ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và nhân dân thành phố. Trong 20 năm, các cấp đã vận động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hơn 144 tỷ đồng để hỗ trợ cải thiện nhà ở, tôn tạo, nâng cấp nghĩa trang, mộ liệt sĩ, trợ cấp khó khăn…. Phong trào phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được thực hiện chu đáo, thành phố có 3.256 Mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 100% các Mẹ còn sống đều được cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng hàng tháng với mức từ 1 triệu đồng trở lên. 

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe đối tượng chính sách được thực hiện chu đáo, 20 năm qua đã có 263.870 lượt đối tượng được cấp Thẻ Bảo hiểm y tế với tổng kinh phí 77,5 tỷ đồng. Hàng năm vào dịp lễ Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, các Bệnh viện, Trung tâm y tế, đơn vị quân đội, Công an . . . tổ chức khám và phát thuốc miễn phí cho hơn 25.000 lượt đối tượng chính sách với tổng kinh phí trên 870 triệu. Tổ chức điều dưỡng luân phiên cho 70.734 lượt đối tượng, kinh phí gần 64 tỷ đồng, trong đó có 14.266 đối tượng được điều dưỡng tập trung. Hình thức tổ chức điều dưỡng luôn được thay đổi, yếu tố tinh thần được quan tâm nhiều hơn thông qua việc kết hợp điều dưỡng tại các địa phương khác ngoài thành phố, đã có 3.740 đối tượng điều dưỡng kết hợp với tham quan Nha Trang, Đà Lạt, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

 
     

Chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với gia đình chính sách được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm,  đến nay đã có 25.688 lượt gia đình chính sách được hỗ trợ cải thiện nhà ở với tổng kinh phí hơn 520 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng 951 nhà tình nghĩa với kinh phí hơn 21 tỷ đồng; miễn giảm tiền sử dụng đất cho 11.318 hộ với kinh phí hơn 292 tỷ đồng; sửa chữa nhà cho 12.875 hộ với kinh phí hơn 201 tỷ đồng . . .Ngoài ra còn bố trí 854 lô đất và 160 nhà chung cư cho gia đình chính sách có khó khăn về đất ở, nhà ở. 

Đặc biệt trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, hộ chính sách nằm trong diện di dời giải tỏa được bố trí đất tái định cư và thực hiện miễn giảm tiền sử dụng đất, đã có 7.724 hộ thuộc diện bố trí đất tái định cư được miễn giảm tiền sử dụng đất với kinh phí hơn 188 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở, thành phố đã 3 lần bổ sung, sửa đổi Quyết định hỗ trợ cải thiện nhà ở, qua mỗi lần sửa đổi bổ sung, đối tượng được mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên.

Thành phố đã tiến hành nâng cấp toàn diện các Nghĩa trang, mộ liệt sĩ, bảo đảm khang trang, bền vững với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng; duy trì sự phối hợp giữa Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên dâng hương tại các nghĩa trang vào tối ngày 14 (AL) và ngày cuối tháng (AL).

Ngoài việc thực hiện tốt chế độ chính sách theo quy định của Trung ương, thành phố Đà Nẵng có những chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Năm 2009, thành phố phê duyệt mức trợ cấp thường xuyên cho đối tượng chính sách mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn với mức trợ cấp 300.000 đồng/tháng và mức trợ cấp được nâng lên 500.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/9/2016. Đến nay, có 1.372 đối tượng đang hưởng trợ cấp, kinh phí hàng năm trên 8 tỷ đồng. 

Năm 2010, thành phố thực hiện trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng có mức trợ cấp thấp có hoàn cảnh khó khăn với mức trợ cấp 100.000 đồng/tháng và mức trợ cấp được nâng lên 200.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/01/2016. Hiện có 597 đối tượng đang hưởng trợ cấp, với kinh phí hàng năm gần 1,5 tỷ đồng, ngoài ra thành phố còn giải quyết trợ cấp khó khăn đột xuất 4.770 lượt đối tượng, kinh phí 13,765 tỷ đồng. 

    Năm 2012, có 56/56 xã, phường  của Đà Nẵng được công nhận và tiếp tục duy trì là xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công theo 6 tiêu chuẩn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Từ phong trào xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công đã nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong việc xã hội hóa các chương trình chăm sóc người có công, lồng ghép với nhiều chương trình khác như: cho vay vốn ưu đãi, giải quyết việc làm, hỗ trợ phương tiện sản xuất, phương tiện sinh kế . . . và kết hợp với sự tự phấn đấu vươn lên của đối tượng, đến cuối năm 2017, 100% gia đình chính sách có mức sống cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. 

Tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

Năm nay kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), thành phố tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” với việc tăng cường các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, kết quả 20 năm thực hiện chính sách chăm sóc người có công và các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của thành phố. Tổ chức Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ kết hợp tổng kết kế hoạch sửa chữa nhà ở người có công với cách mạng năm 2017….

Tiếp tục hoàn thiện Nghĩa trang liệt sĩ Hòa Khương và tổ chức khánh thành vào dịp Kỷ niệm 70 năm ngày thương binh – liệt sỹ. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành  xây mới nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Khương với kinh phí trên 20 tỷ đồng và đã tổ chức di dời gần 900 mộ liệt sĩ (kết hợp với lấy mẫu sinh phẩm 161 liệt sĩ chưa xác định được thông tin) về địa điểm mới. Hoàn thành các công trình nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ theo Đề án đã được UBND thành phố phê duyệt cho 4.100 mộ tại 6 nghĩa trang liệt sĩ  xã, phường với kinh phí trên 27 tỷ đồng; Phát động phong trào tìm kiếm, phát hiện mộ liệt sĩ và tổ chức cất bốc quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ, đặc biệt chú ý các địa bàn khu căn cứ địa cách mạng thuộc huyện Hoà Vang (cũ) và các vùng lân cận như: Đại Lộc, Đông Giang thuộc tỉnh Quảng Nam..;

 
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí kiểm tra xây dựng nhà chính sách tại quận Liên Chiểu

Năm 2017, thành phố tiếp tục thực hiện Kế hoạch hỗ trợ sửa chữa nhà ở người có công với cách mạng với 1.377 nhà (trong đó, xây mới 307 nhà, sửa chữa 1.070 nhà), kinh phí thực hiện trên 40 tỷ đồng. Đến nay, đã hoàn thành xây mới, sửa chữa 1.106 nhà, trong đó xây mới 161 nhà và sửa chữa 945 nhà, số nhà còn lại đang triển khai và hoàn thành vào dịp Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Đồng thời, tập trung hoàn thành Đề án giảm nghèo đối với hộ người có công trên địa bàn thành phố. Mục tiêu đến cuối năm 2017 không còn hộ nghèo người có công theo chuẩn của thành phố (mức thu nhập bình quân 1.300.000 đồng/nhân khẩu/tháng đối với thành thị và mức 1.100.000 đồng/nhân khẩu/tháng đối với nông thôn); Thông qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phát động phong trào tặng dụng cụ sinh hoạt, hỗ trợ sinh kế cho gia đình chính sách nghèo, khó khăn; lồng ghép các chương trình giải quyết việc làm, vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình,...nhằm không ngừng nâng cao mức sống của đối tượng, gia đình chính sách cả về vật chất lẫn tinh thần.

Trao bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình các Liệt sỹ

Bên cạnh đó, ngành Lao động và Thương binh Xã hội tập trung giải quyết dứt điểm việc xác lập hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo Thông tư Liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, rà soát và lập thủ đề nghị xác nhận liệt sĩ và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối người tham gia hoạt động kháng chiến hy sinh đã được thân nhân, địa phương đưa mộ vào an táng tại các Nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa được cấp Bằng Tổ quốc ghi công. Đồng thời rà soát giải quyết các vấn đề liên quan đến khen thưởng như: Truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ VNAH”, tặng thưởng Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sĩ, cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công . . . 

Chiến tranh đã qua đi, đất nước hòa bình, nhưng nỗi đau ở lại, và vẫn còn hằn sâu trên từng mảnh đất, từng thân phận con người. Những mất mát đó không có gì bù đắp nổi. Thực hiện chế độ chính sách, chăm lo người có công cách mạng, đối tượng chính sách của thành phố trong những năm qua chính là thể hiện sâu sắc truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Hiếu nghĩa, bác ái”  của dân tộc ta, đồng thời thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Máu đào của các liệt sĩ đã làm lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ chuyền lại cho chúng ta”.

QUANG VINH- HỘI AN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác