Đà Nẵng xếp vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019
Đăng ngày 05-05-2020 10:32, Lượt xem: 1977

Với 70,15/100 điểm, Đà Nẵng xếp vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019, là địa phương duy nhất vùng duyên hải miền Trung thuộc nhóm rất tốt. Đây là thông tin từ lễ công bố trực tuyến Báo cáo thường niên PCI 2019, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức vào ngày 5-5.

Lễ công bố trực tuyến Báo cáo thường niên PCI 2019

Là chỉ số đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, Báo cáo PCI 2019 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.500 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 21 địa phương tại Việt Nam.

Tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2019 năm thứ ba liên tiếp là Quảng Ninh (73,40 điểm), kế đến là Đồng Tháp (72,10 điểm), Vĩnh Long (71,30 điểm) và Bắc Ninh (70,79 điểm). Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An, Hà Nội và Hải Phòng. Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu. Đắk Nông (60,50 điểm) và Lai Châu (59,95 điểm) là hai địa phương đứng cuối bảng xếp hạng.

Đà Nẵng xếp vị trí thứ 5 PCI 2019

Phát biểu tại lễ công bố, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI - Trưởng Ban chỉ đạo PCI, đánh giá, PCI 2019 cho thấy xu hướng tích cực trong cải cách ở cấp địa phương, với điểm trung bình cao nhất từ trước đến nay. So với những năm dầu 2005-2006, địa phương xếp vị thấp nhất có điểm xấp xỉ 36, thì đến năm 2019, địa phương cuối bảng xếp hạng có điểm xấp xỉ 60. Điều này cho thấy sự cải thiện trong chất lượng điều hành, cũng như xu hướng hội tụ, thu hẹp các khoảng cách trong chất lượng điều hành giữa các tỉnh, thành phố. Qua đó, bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh trở nên tươi sáng hơn, khi 70%-80% doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền; trên 50% doanh nghiệp trong và ngoài nước cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh trong thời gian 2 năm tới. Tính riêng trong năm 2019, bình quân mỗi ngày có đến 380 doanh nghiệp được thành lập mới.

Báo cáo PCI 2019 cũng cho thấy, các doanh nghiệp FDI tiếp tục đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh Việt Nam. Những cải thiện ấn tượng nhất là trong trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận đất đai và cắt giảm chi phí không chính thức cũng như gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI mong muốn Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan tới giai đoạn hoạt động sau đăng ký, thủ tục xuất nhập khẩu, bảo hiểm xã hội, thuế...; có chiến lược và chính sách hiệu quả để nâng cao chất lượng lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng.

PCI 2019 cũng nêu bật 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp dân doanh đang gặp phải, bao gồm: tìm kiếm khách hàng (63%), tiếp cận vốn (35%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (34%), tìm kiếm đối tác kinh doanh (28%) và biến động thị trường (27%). Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có gặp nhiều khó khăn hơn so với các doanh nghiệp lớn, và sẽ còn nghiêm trọng hơn trong thời gian đến bởi những tác động tiêu cực do bùng phát dịch bệnh COVID-19. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương.

Năm thứ hai liên tiếp đứng vị trí thứ 5 xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với 70,15 điểm, điểm số PCI năm 2019 của Đà Nẵng tăng 2,5 điểm so với năm 2018 (67,65 điểm). Hầu hết các chỉ số thành phần đều tăng điểm; trong đó có 3 chỉ số đạt điểm cao nhất trong 5 năm qua, gồm: tiếp cận đất đai (7,44 điểm), chi phí không chính thức (6,75 diểm), thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (6,99 diểm). Hai chỉ số thành phần giảm điểm nhẹ là gia nhập thị trường và chi phí thời gian. Trong 15 năm thực hiện điều tra PCI, Đà Nẵng luôn là địa phương có điểm số dẫn đầu vùng duyên hải miền Trung, trong đó có 7 năm đứng đầu bảng xếp hạng toàn quốc.

Điểm số thành phần PCI 2019 của Đà Nẵng

Theo ông Vũ Tiến Lộc, đóng góp quan trọng nhất của PCI là các bài học kinh nghiệm, những mô hình và công nghệ cải cách được lan tỏa và chia sẻ; những dư địa cải cách được phát hiện, và những khoảng cách cần khép lại giữa nỗ lực của chính quyền và kỳ vọng của người dân. “PCI là tiếng nói của khu kinh tế tư nhân, là cánh chim không mỏi của tinh thần cải cách trong việc truyền tải những thông điệp, những kỳ vọng, những khuyến nghị của khu vực tư nhân đến các cấp chính quyền, để nâng cao năng lực điều hành trong nền kinh tế nước ta”, Chủ tịch VCCI phát biểu.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.